• Hàm Thuận Bắc 1
  • Hàm Thuận Bắc 2
  • Hàm Thuận Bắc 3
Liên đoàn Lao động tỉnh

Một số thực trạng và giải pháp nâng cao trình độ, bản lĩnh cho công nhân và người lao động

19/10/2020 19856 Đã xem

Trong những năm qua, thực hiện đường lối đổi mới, hội nhập phát triển kinh tế, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương; tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Cùng với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đội ngũ công nhân, người lao động và hoạt động công đoàn trên địa bàn tỉnh ngày càng trưởng thành, phát triển lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về cơ cấu ngành nghề và loại hình hoạt động. Tính đến cuối tháng 6/2020, toàn tỉnh hiện có hơn 75 nghìn công nhân lao động đang làm việc ở 4.263 doanh nghiệp. Trong đó, tính riêng công nhân làm việc tại các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh là 9.493 lao động, trong đó có trình độ cao đẳng, đại học 921 người, chiếm 9,7%; trình độ trung cấp 3.137 người, chiếm 33,05%; số lao động là công nhân kỹ thuật, sơ cấp 3.258 người, chiếm 34,32%; lao động phổ thông 2.177 người, chiếm 22,93%.

Tuy nhiên, số lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ còn khá cao, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về đào tạo nghề cho công nhân chưa đầy đủ, chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Một số doanh nghiệp, người sử dụng lao động chưa tạo điều kiện thuận lợi về thời gian, kinh phí để khuyến khích công nhân, người lao động tích cực tham gia học tập, nâng cao trình độ tay nghề, bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cần thẳng thắn nhìn nhận, công tác đào tạo nguồn nhân lực nói chung, công tác nâng cao trình độ tay nghề, bản lĩnh của công nhân, người lao động nói riêng những năm qua đã có những chuyển biến rõ nét nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Đối với nước ta hiện nay, muốn ứng dụng công nghiệp 4.0 đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bắt đầu ngay từ khâu đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề. Hiện nay, nguồn lao động của Việt Nam nói chung và của tỉnh Bình Thuận nói riêng đang làm việc tại các Khu công nghiệp tương đối dồi dào nhưng chủ yếu là lao động tay nghề thấp, vì vậy dễ dàng bị thay thế bởi máy móc. Những công việc mang tính chất rập khuôn, lặp lại đơn giản mà đa phần lao động chưa qua đào tạo tại tỉnh đang đảm nhận sẽ dần được thay thế bởi máy móc trong tương lai. Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm chuyển dịch cơ cấu lao động trong các ngành kinh tế. Với cách mạng công nghiệp 4.0, những ngành nghề truyền thống sử dụng nhiều lao động sẽ dần mất đi, đồng thời xuất hiện những ngành nghề mới, do đó chúng ta dễ dàng đối mặt với tình trạng dư thừa lao động và gia tăng tình trạng thất nghiệp.

Xuất phát từ những thực trạng nêu trên, để đẩy mạnh hoạt động lao động, sáng tạo, nâng cao trình độ, tay nghề, bản lĩnh cho công nhân, người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững. Trong thời gian tới tổ chức Công đoàn xác định cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhằm nâng cao nhận thức của công nhân, người lao động để họ thấy rõ việc học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp vừa là quyền lợi, vừa là yêu cầu để đảm bảo việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao năng suất lao động, bảo đảm chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đó cũng là thực hiện trách nhiệm của mình đối với địa phương. Thường xuyên tổ chức những buổi tuyên truyền vận động công nhân, người lao động trong các Khu công nghiệp tự học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu được giao, nhất là đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng 4.0. Từ đó, làm cho bản thân người lao động nhận thức đúng đắn về việc đào tạo trình độ chuyên môn và tự đào tạo ngay trong công việc.

Công nhân tại Công ty TNHH Quốc tế Right Rich đang cài đặt thông số để máy tự động may

Công đoàn các cấp chủ động tham mưu với cấp ủy, phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp ban hành Nghị quyết, Chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực; có các chính sách, khuyến khích người lao động học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tạo cơ hội để người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu công việc trong tình hình mới. Nâng cao năng lực, đổi mới nội dung, phương thức đào tạo chuyển đổi nghề cho công nhân, người lao động. Các cấp công đoàn cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên không ngừng, cùng với đó công nhân, người lao động phải tích cực học tập, nâng cao trình độ mọi mặt, phát huy hơn nữa tinh thần sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, phát huy sáng kiến trong quá trình làm việc. Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động, đưa nội dung khuyến khích đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, người lao động vào thỏa ước lao động tập thể theo hướng thiết thực.

Công đoàn phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua như: “Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo”; phong trào “Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”…; phong trào “Tự học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề”. Kịp thời biểu dương, tôn vinh, khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, đào tạo, rèn tay nghề, trong các phong trào thi đua, qua đó góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, nâng cao bản lĩnh cho công nhân, người lao động.

Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình “Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên và người lao động” gắn với tuyên truyền, phối hợp triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp ”. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để tập trung đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, chuyển đổi nghề cho công nhân, người lao động.

Hi vọng rằng, những giải pháp thiết thực trên của tổ chức Công đoàn sẽ góp phần tích cực giúp cho công nhân, người lao động trong tỉnh ngày càng đẩy mạnh các hoạt động lao động, sáng tạo, không ngừng vươn lên để nâng cao trình độ, tay nghề, bản lĩnh nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững, qua đó góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025.

Văn phòng LĐLĐ tỉnh

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top