Sáng ngày 08/9/2023, tại Hội trường Khối nhà làm việc Mặt trận - Đoàn thể thành phố. Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thiết đã tổ chức buổi Tọa đàm về công tác phát triển đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước trong tình hình mới.
Tham dự buổi Tọa đàm có đồng chí Võ Huy Luận - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố - Chủ trì và các đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ, Cụm trưởng 09 Cụm thi đua Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thiết khóa X, nhiệm kỳ 2023-2028.
Tại buổi Tọa đàm, đồng chí Võ Huy Luận - Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố đã đánh giá: thành phố Phan Thiết hiện đang quản lý 182 công đoàn cơ sở, trong đó có 64 công đoàn cơ sở hoạt động trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch với số lượng là 8.806 công nhân lao động; đồng thời, thành phố Phan Thiết đang nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ, ngoài ngành công nghiệp phục vụ phát triển công - nông nghiệp, thủy sản; nhiều hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển khá nhanh, từng bước khẳng định là ngành kinh tế quan trọng, nhiều dự án du lịch ra đời và hoạt động (khi tuyến cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây chính thức thông xe). Qua đó tạo ra những biến đổi sâu sắc về số lượng, cơ cấu, chất lượng đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và đa dạng về loại hình.
Ban Thường vụ và các đ/c Cụm trưởng Cụm thi đua LĐLĐ thành phố tham dự buổi Tọa đàm
Đội ngũ công nhân lao động trong khu vực ngoài Nhà nước ngày càng tăng chiếm tỷ lệ cao, một bộ phận chưa thích nghi với tác phong lao động công nghiệp, nhận thức pháp luật lao động và công đoàn chưa cao. Vì vậy đòi hỏi tính cấp thiết của tổ chức công đoàn là vận động, tuyên truyền, giáo dục công nhân lao động tham gia công đoàn tại doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Phan Thiết trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TW, ngày 12/6/2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới và Chủ đề năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là “Năm phát triển đoàn viên”. Trên cơ sở Kế hoạch số 43-KH-TU, ngày 12/11/2021 của Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về thực hiện Chương trình hành động số 20-CTr/TU, ngày 20/10/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Nghị quyết Đại hội X Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028 đã đề ra. Đồng chí Chủ trì xác định công tác phát triển đoàn viên công đoàn tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; làm tốt công tác phát triển đoàn viên cũng nhằm thực hiện tốt chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động.
Thời gian qua, công tác tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài nhà nước được Công đoàn Thành phố triển khai bằng nhiều hình thức, phương pháp như: xây dựng kế hoạch khảo sát các doanh nghiệp, tiếp xúc trực tiếp với người lao động, người sử dụng lao động để tuyên truyền, vận động gia nhập công đoàn, thành lập công đoàn cơ sở, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở xác định rõ vai trò, trách nhiệm trong việc xây dựng, củng cố tổ chức, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn, xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng quyết định đến sự lớn mạnh của tổ chức công đoàn trong thời kỳ hội nhập kinh tế. Kết quả, từ đầu năm 2023 đến nay, Liên đoàn Lao động thành phố đã phát triển mới 712/850 ĐVCĐ, đạt 83,8% chỉ tiêu giao và 72% chỉ tiêu phấn đấu (712/1.000. ĐVCD); thành lập 04/03 công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài nhà nước, đạt 133,3% chỉ tiêu do Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận giao trong năm.
Đ/c Nguyễn Thanh Tâm - Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 tham gia ý kiến tại buổi Tọa đàm
Nhằm phát huy những kết quả đạt được thời gian qua và tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội X Công đoàn thành phố, nhiệm kỳ 2023-2028 đề ra trong công tác phát triển đoàn viên (3.000 ĐVCĐ). Tại buổi Tọa đàm, các đồng chí đã đưa ra một số nhiệm vụ và các giải pháp, biện pháp thực hiện để hoàn thành mục tiêu đề ra:
Một là: Công tác tuyên truyền, phổ biến đến người lao động về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của công đoàn, nhất là chủ trương, chính sách có liên quan đến nghĩa vụ, quyền lợi người lao động cần được duy trì thường xuyên, linh hoạt với nhiều phương thức khác nhau để người lao động hiểu, tự giác thực hiện, biết được vai trò, vị trí, chức năng của công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp để tham gia xây dựng.
Hai là: Đổi mới cách thức tiếp cận, nội dung và phương thức tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập tổ chức công đoàn và thành lập công đoàn cơ sở theo hướng tăng cường sự chủ động tham gia của người lao động trong việc thành lập công đoàn cơ sở.
Ba là: Định kỳ điều tra, khảo sát nắm tình hình doanh nghiệp và người lao động, đánh giá phân loại các doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn, trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch của từng đơn vị trong việc phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở.
Bốn là: Việc vận động thành lập công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp được tiến hành theo phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, làm cho người sử dụng lao động nhận thức được tình cần thiết của tổ chức công đoàn, công đoàn cơ sở hoạt động tốt sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Hồ sơ, thủ tục các biểu mẫu thành lập công đoàn cơ sở cần được chuẩn bị trước, tránh các thủ tục rườm rà, không cần thiết, một khi đã thống nhất thì có thể tiến hành thành lập ngay.
Năm là: Với các doanh nghiệp ngoài nhà nước đã có công đoàn cơ sở, cần phát huy tính đại diện của mình cho tập thể người lao động tại doanh nghiệp, thường xuyên phối hợp giúp đỡ, chăm lo bảo vệ lợi ích người lao động gắng bỏ với tổ chức và phát huy vai trò của mình tại công đoàn cơ sở. Một trong các phương pháp hoạt động của công đoàn là tổ chức hoạt động cho đông đảo người lao động tham gia sáng tạo, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, từ đó tạo lòng tin với người sử dụng lao động trong phối hợp hoạt động.
Đ/c Trần Thị Hoài Trinh - Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 phát biểu ý kiến tại buổi Tọa đàm