• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Tin Tức

CHÀO THÁNG 3, THÁNG CỦA YÊU THƯƠNG!

11/03/2024 2687 Đã xem

       Lịch sử ngày 8/3 là câu chuyện lịch sử dài về cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng và hạnh phúc cho phụ nữ của nhiều nhóm phụ nữ trên toàn thế giới. Chính phụ nữ là những người làm nên ngày 8/3 lịch sử. Để mỗi năm có một ngày tràn ngập hoa thì đã có không ít máu và nước mắt đổ xuống trong quá khứ. Và hôm nay chúng ta cùng nhau ôn lại ngày lịch sử vẻ vang ấy.

        Lịch sử ngày 8/3 bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8 tháng 3 năm 1857, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và New York. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Đức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sỹ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Clara Zetkin – người Đức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (người Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, nên năm 1907 hai bà đã cùng phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban “Thư ký phụ nữ quốc tế”. Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư. Năm 1910, Đại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (Thủ đô nước Đan Mạch) đã quyết định lấy ngày 8/3 làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”, ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu: – Ngày làm 8 giờ. – Việc làm ngang nhau. – Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Từ đó ngày 8/3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới, là biểu dương ý chí đấu tranh của phụ nữ khắp nơi trên thế giới đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ xã hội; vì quyền lợi hạnh phúc của phụ nữ và nhi đồng. Nhiều sự kiện đáng chú ý khác liên quan đến ngày 8/3 như cuộc đấu tranh lớn tại Nga vào ngày 23/2/1917 theo lịch Nga và là ngày 8/3 theo dương lịch, những nữ công nhân đã ồ ạt tấn công khắp các đường phố của Nga. Sự kiện đó sau này được đánh giá là một trong những tác nhân châm ngòi cho Cách mạng Tháng Mười Nga. Ngoài ra, còn rất nhiều cuộc đấu tranh của phụ nữ trên thế giới cũng nổ ra vào tháng 3 lịch sử. Năm 1975, Liên Hiệp Quốc đã lấy ngày 8/3 hằng năm làm “Ngày Quốc tế Phụ nữ”. Hai năm sau, LHQ đã thông qua nghị quyết các nước thành viên kỷ niệm ngày 8/3 như là ngày vì quyền bình đẳng, sự tiến bộ của phụ nữ và hòa bình cho thế giới. Hàng năm, cứ đến ngày 8/3 phụ nữ toàn thế giới, trong đó có phụ nữ Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm “Ngày Quốc tế của Phụ nữ”. Ở nước ta, vào ngày 8/3 còn là dịp kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa: bà Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)… Ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:

Một xin rửa sạch nước thù,

Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng,

Ba kẻo oan ức lòng chồng,

Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này.

       Từ thực tế lịch sử, phụ nữ Việt Nam có bản chất kiên cường, dũng cảm, cần cù lao động, sáng tạo, thông minh. Phụ nữ Việt Nam là người giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát triển bản sắc và tinh hoa văn hoá dân tộc. Họ là những người mẹ dịu hiền, đảm đang, trung hậu đã sản sinh ra những thế hệ anh hùng của dân tộc anh hùng. Trong công cuộc xây dựng đất nước, phụ nữ đã có những đóng góp quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, phụ nữ luôn luôn giữ vị trí quan trọng và có những cống hiến to lớn, góp phần xây dựng nên truyền thống vẻ vang của dân tộc, đồng thời cũng tạo nên truyền thống của chính mình. Tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ kính yêu đã tặng cho Phụ nữ Việt Nam là sự đúc kết sâu sắc truyền thống tốt đẹp của phụ nữ. Truyền thống đó luôn được gắn liền với truyền thống của dân tộc. Nam giới coi ngày 8/3 là dịp để thể hiện sự ga-lăng của mình cho những người phụ nữ mà họ yêu quý. 365 ngày trong năm, phụ nữ có riêng một ngày để được cả xã hội quan tâm, ngợi ca và bày tỏ niềm kính trọng. Một ngày dành để tôn vinh những vất vả của người mẹ tảo tần, người vợ đảm đang, những người vun vén dựng xây tổ ấm gia đình, những em gái say mê học tập, lao động. Phụ nữ hiện đại không chỉ là người nội trợ trong gia đình mà còn là người lao động kiếm tiền, nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của xã hội. Họ đang hướng tới hình ảnh thành đạt hơn, đảm đang hơn, tự tin hơn và xinh đẹp hơn. Phụ nữ càng ngày càng có nhiều đóng góp tài năng, trí tuệ, công sức lao động trong nhiều lĩnh vực xã hội và đời sống.

       Nhân kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế phụ nữ (8/3/1910-8/3/2024), 1984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Hội Liên hiệp Phụ nữ phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Lễ phát động “Tuần lễ Áo dài" năm 2024 và Chương trình “Tặng áo dài, trao gửi yêu thương, giữ gìn nét đẹp truyền thống”, chương trình đã được các cấp công đoàn hưởng ứng mạnh mẽ.

      Thông qua chương trình “Tặng áo dài, trao gửi yêu thương, giữ gìn nét đẹp truyền thống” Liên đoàn Lao động huyện đã vận động được 268 bộ áo dài may sẵn, 88 áo dài may sẵn, 28 xấp vải may áo dài và đã tổ chức trao 96 bộ áo dài cho chị em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn đang làm việc và sinh hoạt tại các Công đoàn cơ sở trong huyện, số áo dài còn lại Ban thường vụ Liên đoàn Lao đông huyện dự kiến sẽ tiếp tục trao tặng cho các nữ Công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn vào những dịp thích hợp.

     

     Cũng trong đợt sinh hoạt truyền thống kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (08/3/1930 - 08/3/20214), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Liên đoàn Lao động huyện đã tổ chức Hội thi “Mâm Cơm Việt” vào ngày 9/3/2024 có 110/116 công đoàn cơ sở tham gia đã tạo được không khí vui tươi, sôi nỗi cho chị em lao động nữ. Tại các công đoàn cơ sở tổ chức sinh hoạt kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ với nhiều hình thức phong phú phù hợp với tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp như: Ôn lại truyền thống, thi nấu ăn, cắm hoa, tọa đàm, tặng quà cho phụ nữ…  Đặc biệt có 107/116 Công đoàn cơ sở phát động và thực hiện cho nữ CNVCLĐ mặc áo dài trong ngày làm việc phù hợp với điều kiện và đặc thù nghề nghiệp từ ngày 01/3 đến ngày 08/3, tập trung đồng loạt vào ngày 08/3.

       Những ngày tháng 3 trên mọi nẻo đường, trong các cơ quan đơn vị, nơi làm việc chúng ta đều bắt gặp những chiếc áo dài tung bay dịu dàng nhằm góp phần lan tỏa hình ảnh chiếc áo dài truyền thống của đất nước Việt Nam, tháng 3 chúng ta hãy dành chững lời yêu thương đến nữa thế giới xinh đẹp trên toàn cầu./.

Hằng Nga

Bài viết cùng chuyên mục

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top