Trong những năm qua Công đoàn các cấp tỉnh Bình Thuận đã phát huy hiệu quả trong công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, lao động, các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện, ủng hộ quỹ “Vì nữ công nhân, viên chức lao động nghèo” (Vì nữ CNVCLĐ nghèo).
Thực hiện chỉ đạo của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc: “Rà soát, củng cố và sắp xếp lại các Quỹ Xã hội của Công đoàn thành một Quỹ chung, thống nhất tên gọi là “Quỹ Xã hội” và ghép với tên Liên đoàn Lao động tỉnh. Từ đó Quỹ “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” được sát nhập với Quỹ “Mái ấm công đoàn” thành Quỹ Xã hội Công đoàn Bình Thuận.
Hoạt động của Quỹ “Xã hội Công đoàn Bình Thuận” nói chung và Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” nói riêng vừa có ý nghĩa chính trị, vừa mang tính nhân văn sâu sắc, góp phần hiệu quả vào chương trình xóa đói, giảm nghèo của địa phương nói chung và công tác chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho CNVCLĐ nói riêng phù hợp với nguyện vọng và được đoàn viên, người lao động hưởng ứng tích cực.
Từ lúc thành lập đến nay, Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” đã vận động được hơn 6 tỷ đồng, giải quyết cho 7.958 lượt chị CNVCLĐ vay vốn với lãi suất ưu đãi (4%/năm) để tạo điều kiện phát triển kinh tế gia đình.
Để việc sử dụng vốn đúng mục đích, hiêu quả, cho vay vốn được kịp thời, thu hồi lãi và gốc theo đúng quy định, ngay từ khâu thẩm định ban đầu, Ban Quản lý quỹ đã kiểm tra, giám sát đúng đối tượng, hồ sơ thủ tục đúng quy định. Hầu hết các quy trình được triển khai nhanh chóng, thuận tiện cho người vay, đảm bảo đúng quy chế về quản lý vốn.
Thời gian đầu số vốn huy động còn ít, giải quyết cho mỗi trường hợp chỉ được vay 1 triệu đồng/người/năm, sau đó tăng dần và cho đến nay là 5 triệu đồng/người/2 năm. Từ số vốn được vay, chị em đã mạnh dạn bổ sung thêm vốn của gia đình kết hợp với cơ sở vật chất sẵn có để đầu tư chăn nuôi Gà, Vịt, Heo, Bò hoặc buôn bán nhỏ; chăm sóc cây Thanh Long, trồng rau sạch… Từ đó, nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt, làm kinh tế gia đình giỏi đã được hình thành và nhân rộng. Nhiều chị đã hoàn trả được vốn vay, tiếp tục duy trì và phát triển từ nguồn vốn ban đầu để mở rộng đầu tư, phát triển sản xuất. Thông qua hoạt động vay vốn, chị em có cơ hội tích lũy kiến thức và kinh nghiệm làm kinh tế, tăng thêm thu nhập cho gia đình, mua sắm được các phương tiện thiết yếu phục vụ cuộc sống; góp phần ổn định tư tưởng, yên tâm công tác; đồng thời xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa nữ CNVCLĐ với tổ chức Công đoàn, đẩy mạnh các hoạt động của Ban nữ công quần chúng tại công đoàn cơ sở.
Chị Tô Thị Kim Liên CĐCS Khối Mặt trận – ĐT huyện Hàm Thuận Bắc đầu tư chăn nuôi phát triển bò
Chị Đinh Thị Ngọc Thủy CĐCS trường Mẫu giáo Hồng Sơn huyện Hàm Thuận Bắc đang chăm sóc đàn gà
Phạm Thị Kim Hồng - CĐCS Khối MT-ĐT huyện Tuy Phong chăm sóc Thanh Long
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai chương trình cho thấy, hầu hết các dự án đều có quy mô nhỏ, số vốn cho vay hạn chế, thời hạn cho vay chỉ trong vòng 2 năm, vì vậy hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu của đông đảo nữ CNVCLĐ. Để Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” phát triển, nhằm giải quyết cho nhiều lượt nữ CNVCLĐ khó khăn, đồng thời tăng mức vốn vay và kéo dài thời gian sử dụng, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa và kết quả hoạt động của Chương trình thông qua các mô hình đã sử dụng vốn có hiệu quả, gắn với việc thực hiện vận động đoàn viên CNVCLĐ tích cực ủng hộ đóng góp xây dựng quỹ ngày càng đạt kết quả. Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Công đoàn chú trọng thực hiện quản lý tốt nguồn vốn, với phương châm công khai, dân chủ, công bằng, cho vay đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện vay vốn, hướng tới mục tiêu chăm lo vật chất tinh thần cho đoàn viên, công nhân lao động, tạo điều kiện cho các chị nữ CNVCLĐ nghèo vươn lên ổn định cuộc sống, xây dựng gia đình hạnh phúc.
Tiền lãi thu được từ Chương trình cho vay vốn, Ban quản lý Quỹ đã phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn cấp ngành tiến hành khảo sát, nắm bắt tình hình số chị bị bệnh hiểm nghèo, các cháu con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn hoặc bị tật nguyền để thăm hỏi, động viên và hỗ trợ trong các dịp Lễ, Tết. Tính đến nay, Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” đã tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ cho 1.805 cháu con CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em tật nguyền, trẻ em nghèo vượt khó học giỏi với số tiền 473.700.000 đồng và thăm 641 chị CNVCLĐ bị bệnh hiểm nghèo ở các công đoàn huyện, ngành với số tiền 452.700.000 đồng.
Mặc dù nguồn vốn vay chưa đáp ứng được mong muốn của nữ CNVCLĐ nhưng có thể khẳng định, Quỹ Xã hội Công đoàn Bình Thuận nói chung và Chương trình “Vì nữ CNVCLĐ nghèo” nói riêng đã và đang phát huy hiệu quả, giải quyết kịp thời một phần khó khăn trong cuộc sống cho nữ CNVCLĐ có thu nhập thấp, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn thực sự là tổ ấm, là chỗ dựa vững chắc cho đoàn viên công đoàn.