• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Liên đoàn Lao động tỉnh

Một số tình hình và kết quả phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” của CĐGD Hàm Thuận Bắc

18/12/2014 4838 Đã xem

Ngành Giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc hiện có 2591 CB-GV-NV/ 1929 nữ. Lực lượng nữ chiếm gần 75% nên rất thuận lợi cho việc thực hiện phong trào “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” và các hoạt động có tính đặc thù của nữ. Bên cạnh đó, các cấp quản lý giáo dục trong huyện cũng đã quan tâm, tạo các điều kiện thuận lợi để chị em thể hiện được vai trò, năng lực của mình.

Cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng chị em vẫn một lòng tận tụy với nghề, bám trường, bám lớp, hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn; còn dành thời gian để chăm sóc tốt mái ấm gia đình và họ đã có những đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện nhà trong 4 năm qua.

Đầu mỗi năm học mới, Ban Chấp hành CĐGD huyện hướng dẫn các CĐCS chương trình công tác nữ, phổ biến các văn bản của Ban Nữ công CĐGD Tỉnh, LĐLĐ huyện, cung cấp các quy định mới về chế độ chính sách nữ… để giúp cơ sở xây dựng chương trình công tác. Còn các công đoàn cơ sở thì vận động, tạo điều kiện cho đoàn viên nữ tham gia học nâng chuẩn, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, tham gia các phong trào thi đua. Hàng tháng tổ chức sinh hoạt các chuyên đề về nữ, giới thiệu các chế độ chính sách liên quan đến nữ  từ sổ tay công tác nữ và các tài liệu khác có liên quan.

BCH CĐGD huyện đã cụ thể hóa tiêu chuẩn “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” đối với nữ CB-GV-NV trong Ngành, hàng năm phối hợp chỉ đạo các trường học bình chọn, xét khen thưởng chị em đạt danh hiệu ở cấp trường, cấp huyện để kịp thời động viên phong trào.

Những năm qua, sự nghiệp giáo dục huyện Hàm Thuận Bắc tuy được các cấp chính quyền ngày càng quan tâm nhưng vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, về phương tiện dạy học. Trong hoàn cảnh đó, nữ CB-GV trong huyện vẫn vững vàng, góp sức cùng với toàn Ngành duy trì và ổn định sự nghiệp giáo dục. Thông qua nhiều phương thức, các chị đã học tập nâng chuẩn kiến thức, phổ cập tin học, vận dụng sáng tạo thông tin khoa học và công nghệ vào giảng dạy, quản lý, góp phần nâng chất lượng giảng dạy, giáo dục trong ngành. Hiện nay, hầu hết giáo viên trong ngành đều đạt chuẩn sư phạm, số giáo viên học vượt chuẩn đạt 62,8%, trong đó nữ giáo viên chiếm 75%.

Kết quả nhiều năm qua ở trong huyện cho thấy, những đơn vị có nữ làm lãnh đạo thì đa số chịu khắc phục khó khăn, bền bỉ bám trường, bám lớp như cô Nguyễn Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đa Mi 1. Có những nữ hiệu trưởng dám nghĩ, dám làm,  tổ chức sáng tạo nhiều phong trào  thi đua được các trường trong  tỉnh học hỏi như cô Trần Thị Tân, Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Đức hoặc cô Văn Thị Nho, cô Nguyễn Thị Thu Hương, cán bộ quản lý Trường Mầm non Hoa Hồng cùng nhau giữ vũng  danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc nhiều năm liền, được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì. Nhiều giáo viên nữ cũng đã thành công trong giảng dạy và  trở thành những con chim đầu đàn trong ngành như cô Trương Thị Ngọc Trang, cô Lê Thị Kim Cương, giáo viên  trường Tiểu học Hàm Thắng 1. Năng động, tự tin trong công tác tổng phụ trách đội, là Tổng phụ trách xuất sắc của tỉnh  được Sở Giáo dục và Đoàn Thanh niên khen thưởng như cô Vũ Thị Thu Hiền,…

Và khi thống kê thành tích thi đua trong 04 năm, thật tự hào cho cho đội ngũ nhà giáo nữ ngành Giáo dục huyện nhà: Toàn huyện có 02 Nhà giáo ưu tú đều là nữ.

Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho 02 cá nhân (đều là nữ), tặng Bắng khen cho 01 cá nhân cũng là nữ. Số CSTĐ cấp tỉnh là 05 nữ (không có nam).

UBND tỉnh tặng Bằng khen cho 27 lượt CB-GV thì nữ đã chiếm đến con số 25. Năm học này có 02 đơn vị dẫn đầu khối thi đua thì 02 đơn vị đó đều do nữ làm Hiệu trưởng. Kết quả thi GV dạy giỏi các cấp, top đầu vẫn là các giáo viên nữ. Số sáng kiến kinh nghiệm được xét đạt loại B trở lên  năm nào nữ cũng chiếm vị trí độc tôn.

Không  tự hào sao được, khi những danh hiệu cấp cao của ngành toàn là nữ chiếm lĩnh. Nữ luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, nhận nhiệm vụ là lo lắng thu xếp, cần cù chịu thương chịu khó, hoàn thành thật chu đáo, không chờ nước đến chân mới nhảy. Có thể khẳng định rằng, thành quả đạt được của ngành giáo dục Hàm Thuận Bắc có công đóng góp rất lớn của nữ CB-GV-NV toàn huyện.

Giỏi việc trường là thế nhưng việc nhà lại luôn được chị em đặt lên hàng đầu. Các chị luôn quan niệm rằng “ Một phụ nữ chỉ được xem là thành đạt khi họ thành công trong công việc và có một gia đình hạnh phúc”. Việc xây dựng gia đình hòa thuận, êm ấm,  nuôi dạy con tốt luôn là yêu cầu cần thiết của mọi gia đình, nó là điều kiện để thực hiện nhiệm vụ “Giỏi việc trường”.

Xác định điều đó, nhiều chị em đã vượt lên hoàn cảnh khó khăn để tổ chức tốt cuộc sống gia đình, xây dựng gia đình bền vững, trở thành người dâu thảo, vợ đảm,  người mẹ hiền, góp phần làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp. Những năm qua, gia đình nữ nhà giáo trong huyện đều đạt “Gia đình văn hóa”, nhiều nhà giáo có con học hành  thành đạt, là tấm gương tốt ở xóm làng, được dư luận xã hội đánh giá cao.

Kết quả qua tổng kết 4 năm phong trào, Công đoàn Giáo dục huyện có 875 chị đạt danh hiệu “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà” cấp cơ sở, 52 chị đạt cấp huyện và 05 chị đạt cấp tỉnh.

Bên cạnh những thành quả nói trên, phong trào cũng còn một số hạn chế, đó là:

Phong trào có nơi lại khoán trắng cho Ban Nữ công – coi đây là phong trào riêng của phụ nữ. Vì vây phong trào đạt hiệu quả chưa cao. Do còn phải lo toan nhiều đến gia đình, chưa được sự thông cảm từ phía người chồng nên một số chị em gặp trở ngại khi tham gia hoạt động ở trường, hạn chế khả năng giao lưu, học hỏi ngoài xã hội. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động, để khen thưởng còn hạn hẹp nên chưa động viên, khích lệ được phong trào.

Qua thực tế phong trào thi đua “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”, một số kinh nghiệm được rút ra như sau:

Muốn phong trào đạt kết quả tốt, phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa chính quyền và công đoàn. Tạo điều kiện vật chất, tinh thần để việc tổ chức phong trào được thường xuyên, liên tục; trong đó quan trọng nhất là  phải đổi mới nội dung và hình thức hoạt động cho phù hợp với tâm lý của nữ nhà giáo trong từng giai đoạn, trong mỗi đơn vị.

Trong thi đua, làm tốt công tác tư tưởng cho chị em có vai trò  trọng yếu. Ngoài động viên, khuyến khích cần xem trọng giáo dục truyền thống đạo đức của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống sẽ giúp nuôi dưỡng ý chí và quyết tâm thi đua của chị em.

Ngày nay là thời đại kinh tế tri thức nên người nữ giáo viên phải phấn đấu để có kiến thức ngày càng phong phú để giảng dạy tốt hơn. Tuy nhiên không vì thế mà các chị cứ lao vào công việc ngoài xã hội bỏ mặc gia đình cho chồng con. Người ta thường nói “ sau thành công của một người đàn ông đều có bóng dáng của người phụ nữ”, chứ không ai nói “ sau thành công của phụ nữ đều có bóng dáng của đàn ông”. Nhưng người đàn ông chính là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các chị ở mọi lĩnh vực để các chị đạt được danh hiệu “Giỏi việc trường – Đảm việc nhà”. Thực tế cho thấy, những chị em đạt thành tích cao thì thường có những người chồng hiểu biết, luôn ủng hộ, tạo điều kiện và giúp đỡ việc làm của vợ.

Nhiều chị em thành đạt trong ngành giáo dục huyện từng có chung nhận định rằng, sau thành công của phụ nữ là gia đình! Cho nên nữ cán bộ, giáo viên hãy đừng đánh mất gia đình để đổi lấy sự nghiệp.

Đó là thông điệp mà Ban Nữ công Công đoàn Giáo dục huyện xin chia sẻ với đội ngũ cán bộ, giáo viên nữ trong huyện nhân kỷ niệm 84 năm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Bài viết cùng chuyên mục

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top