• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Liên đoàn Lao động tỉnh

Quy định mới về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc

01/03/2019 12118 Đã xem

Nghị định số 149/2018/NĐ-CP, ngày 07/11/2018 được Chính phủ ban hành quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động (không áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động). Nghị định này thay thế Nghị định số 60/2013/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/6/2013 quy định chi tiết khoản 3 điều 63 của Bộ Luật Lao động về thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc và bắt đầu có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2019.

Nghị định số 149/2018/NĐ-CP không bố cục theo chương mà gồm 13 Điều, rút gọn bớt 11 Điều so với Nghị định số 60/2013/NĐ-CP. Cụ thể nội dung của các Điều lần lượt như sau: Phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; nội dung người sử dụng lao động phải công khai; nội dung người lao động tham gia ý kiến; nội dung người lao động được quyết định; nội dung người lao động được kiểm tra, giám sát; đối thoại tại nơi làm việc; hội nghị người lao động; các hình thức thực hiện dân chủ khác; trách nhiệm ban hành quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; hiệu lực thi hành; trách nhiệm thi hành.

Dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc thực hiện theo Nghị định 149/2018/NĐ-CP phải tuân thủ nguyên tắc: Thiện chí, hợp tác, trung thực, bình đẳng, công khai và minh bạch; Tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động và người lao động; Thực hiện dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội. Theo đó:

Ø Người sử dụng lao động: Phải công khai 07 nội dung quy định tại Điều 4; có trách nhiệm ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc (phải có sự tham gia ý kiến của tổ chức đại diện tập thể người lao động tại cơ sở và được phổ biến công khai đến người lao động).

Người lao động: Được tham gia ý kiến xây dựng, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế, thang lương, bảng lương, định mức lao động, đề xuất nội dung thương lượng tập thể …; được quyết định giao kết, thỏa thuận sửa đổi, bổ sung, chấm dứt hợp đồng lao động, gia nhập hoặc không gia nhập tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở, tham gia hoặc không tham gia đình công, biểu quyết nội dung thương lượng tập thể …; được kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy lao động, việc sử dụng quỹ khen thưởng, phúc lợi, các quỹ khác do người lao động đóng góp, việc trích nộp kinh phí công đoàn, đóng BHXH, BHYT, BHTN….

Hội nghị Người lao động tại BQL dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân (Ảnh:genco3)

Người lao động Công ty Điện lực Bình Thuận bỏ phiếu bầu Đại diện tập thể lao động tham gia đối thoại

Các hình thức thực hiện dân chủ tại nơi làm việc: Doanh nghiệp tiến hành thực hiện theo Quy chế dân chủ ở cơ sở đã ban hành về nội dung, số lượng, thành phần tham gia, thời gian, địa điểm, quy trình tổ chức thực hiện,…. Gồm ba hình thức sau:

Đối thoại tại nơi làm việc: Trực tiếp giữa người lao động và người sử dụng lao động hoặc giữa đại diện tập thể lao động và người sử dụng lao động; được thực hiện định kỳ hoặc khi một bên có yêu cầu; không phải tổ chức đối thoại định kỳ nếu trùng với thời điểm tổ chức hội nghị người lao động.

Hội nghị người lao động: Giữa người sử dụng lao động và đại diện tập thể lao động; phải được tổ chức ít nhất một năm một lần; căn cứ vào tình hình lao động cụ thể của doanh nghiệp để lựa chọn tiến hành theo hình thức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu (Người sử dụng lao động sử dụng dưới 10 người lao động được miễn trừ tổ chức hội nghị người lao động theo quy định tại Điều 9 và ban hành Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc bằng văn bản theo quy định tại Điều 10 nghị định này).

Thông qua các hệ thống thông tin nội bộ; hòm thư góp ý kiến; kiến nghị, khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật hay các hình thức khác do doanh nghiệp quy định trong Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc của doanh nghiệp.

Thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở không những góp phần nâng cao nhận thức, vai trò của người lao động, người sử dụng lao động mà còn có ý nghĩa quan trọng trong việc đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao trách nhiệm, sự điều hành của lãnh đạo đơn vị, tạo sự đồng thuận và động lực thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.

Đính kèm Nghị định 149.2018 ND-CP.signed.pdf

Ban Kiểm tra - Pháp luật

Bài viết cùng chuyên mục

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top