• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Tin Tức

Trao đổi về hoạt động của Tổ trưởng công đoàn trong giai đoạn hiện nay

09/12/2014 10587 Đã xem

Tổ trưởng công đoàn là người làm việc hàng ngày với đoàn viên và cán bộ, công chức, viên chức, lao động, do đoàn viên trong tổ bầu ra, đại diện trực tiếp và có trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ; trực tiếp giải quyết các vướng mắc của đoàn viên, xây dựng củng cố tập thể tổ đoàn kết, vận động các thành viên trong tổ tích cực công tác, thực hiện nghiêm các chế độ chính sách của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tổ trưởng công đoàn hoạt động tích cực, có hiệu quả thì tổ công đoàn sẽ mạnh và ngược lại. Muốn vậy nội dung hoạt động chủ yếu của Tổ trưởng công đoàn cần tập trung vào những vấn đề sau:

Một là nắm vững chủ trương đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước và nhiệm vụ công tác ở tổ:

Tổ trưởng công đoàn cần nghiên cứu, nắm vững các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động ở tổ, đặc biệt cần nắm vững những quy định về quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động, vì đây là căn cứ để Tổ trưởng công đoàn vận động, tổ chức và tham gia quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ.

Nắm vững tình hình công tác của cơ quan, đơn vị chương trình kế hoạch hoạt động của Công đoàn cấp trên để đề ra chương trình, kế hoạch hoạt động và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động tổ công đoàn cho phù hợp.

Một buổi sinh hoạt Tổ công đoàn định kỳ

Hai là tổ chức thực hiện các nội dung hoạt động của tổ công đoàn.

Hiện nay, tổ công đoàn cần phải không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp hoạt động cho phù hợp với điều kiện cụ thể của tổ công đoàn và tình hình mới. Hoạt động của tổ công đoàn, Tổ trưởng công đoàn cần tập trung chỉ đạo hoạt động vào một số nội dung cơ bản sau:

Hoạt động bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ:

Lợi ích hợp pháp, chính đáng cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức, lao động nói chung gồm lợi ích vật chất, lợi ích tinh thần. Trong điều kiện hiện nay lợi ích vật chât là được đảm bảo về điều kiện làm việc, được quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách, như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Lợi ích tinh thần là được tôn trọng và đối xử bình đẳng, được tạo cơ hội, điều kiện để học tập, làm việc, được quan tâm đến các hoạt động văn hóa, xã hội… Để đảm bảo lợi ích vật chất, tinh thần của người lao động trong tổ, tổ công đoàn cần vận động, tổ chức để cùng nhau lao động làm việc với năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.

Công tác tham gia quản lý của tổ công đoàn:

Tổ công đoàn tham gia quản lý, thực chất là để chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích trước mắt và lâu dài của cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ tốt hơn, là hình thức tổ chức để cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ phát huy dân chủ, đóng góp trí tuệ của mình tìm biện pháp quản lý các nguồn lực của tổ, của cơ quan, đơn vị ngày một tốt hơn. Nội dung tham gia quản lý của tổ nên tập trung tìm các biện pháp tham gia xây dựng, hoàn thiện nội quy, quy chế và tổ chức thực hiện nghiêm nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị…

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực làm chủ cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động

Đối với tổ công đoàn, Tổ trưởng công đoàn cần quan tâm chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục tập trung vào một số nội

dung chủ yếu sau:

Tổ trưởng công đoàn cần tập trung tuyên truyền, phổ biến những quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội… liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, lao động, tuyên truyền, phổ biến nội dung các nội quy, quy chế ở cơ quan, đơn vị, để mọi thành viên trong tổ nắm vững và tự giác phấn đấu thực hiện. Đồng thời để cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ tự bảo vệ quyền và lợi ích của mình khi bị vi phạm.

Cần tuyên truyền, phổ biến về Luật Công đoàn, vị trí, vai trò, chức năng của công đoàn, quyền lợi nghĩa vụ của đoàn viên công đoàn, sự cần thiết phải gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn, nhằm nâng cao tinh thần tự giác của cán bộ, công chức, viên chức, lao động đối với việc gia nhập công đoàn và tự giác tham gia hoạt động công đoàn.

Tuyên truyền vận động cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ chấp hành nghiêm chế độ, chính sách của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị phấn đấu công tác với chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, tích cực tham gia đời sống văn hóa, đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, xây dựng tập thể đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau.

Tổ trưởng công đoàn, cần quan tâm tuyên truyền, vận động để cán bộ, công chức, viên chức, lao động nhận thức được lợi ích của việc học tập, cổ vũ mọi người tự giác khắc phục khó khăn, phấn đấu học tập nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghề nghiệp đáp ứng được yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế là yêu cầu khách quan và nhiệm vụ cấp bách của mỗi người trong giai đoạn hiện nay.

 Vận động, tổ chức đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tham gia các hoạt động như: Văn nghệ, thể thao, tham quan, du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, các hoạt động nhằm đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội, nhằm cải thiện đời sống tinh thần cho cán bộ, công chức, viên chức, lao động góp phần nâng cao dân trí, xây dựng môi trường sống, làm việc lành mạnh.

Do đó để Tổ trưởng công đoàn hoạt động tốt chức năng nhiệm vụ của mình, góp phần xây dựng tổ công đoàn không ngừng lớn mạnh. Trong tổ chức hoạt động, Tổ trưởng công đoàn cần nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp hoạt động cơ bản sau:

Một là liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động:

Công đoàn là tổ chức quần chúng rộng lớn của cán bộ, công chức, viên chức, lao động, do vậy liên hệ chặt chẽ với đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động là yêu cầu không thể thiếu được đối với bất kỳ cán bộ công đoàn nào. Đặc biệt đối với Tổ trưởng công đoàn, người trực tiếp đại diện cho đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ, người trực tiếp vận động, tổ chức đoàn viên tham gia hoạt động công đoàn, thì liên hệ chặt chẽ với đoàn viên trong tổ để hiểu người, rõ việc, nắm được tâm tư, nguyện vọng và những bức xúc của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động là phương pháp hoạt động quan trọng, quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của tổ công đoàn.

Hai là xây dựng chương trinh, kế hoạch hoạt động của tổ công đoàn theo tháng, quý.

Tổ chức hoạt động theo chương trình, kế hoạch hoạt động là phương pháp tổ chức hoạt động khoa học, nó giúp cho hoạt động không bị chồng chéo, bỏ sót những nội dung cần tập trung tổ chức hoạt động, đồng thời giúp cho tổ công đoàn có thể tập trung được những nội dung hoạt động trọng tâm trong từng thời gian cụ thể. Để tổ chức hoạt động của tổ công đoàn được tiến hành thường xuyên có kế hoạch, đạt hiệu quả cao, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong từng thời gian cụ thể, Tổ trưởng công đoàn cần quan tâm xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể.

Tổ trưởng công đoàn phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và có biện pháp hướng dẫn, giúp đỡ đoàn viên thực hiện chương trình, kế hoạch công tác theo đúng tiến độ. Cần gần gũi đoàn viên, nắm được những khó khăn, thuận lợi của đoàn viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao, đánh giá đúng kết quả công tác của đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động, để động viên khích lệ kịp thời những đoàn viên tích cực hoạt động có hiệu quả, có biện pháp giúp đỡ, uốn nắn những hoạt động lệch lạc, chưa có hiệu quả của đoàn viên…

Ba là phân công đoàn viên hoạt động:

Sức mạnh của tổ công đoàn là chỗ thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động trong tổ tự giác gia nhập công đoàn và tham gia hoạt động công đoàn. Nên căn cứ để đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn là ở chỗ tổ công đoàn có thu hút được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, lao động gia nhập công đoàn và gắn bó với tổ chức công đoàn không.

Do vậy trong tổ chức hoạt động tổ công đoàn, Tổ trưởng công đoàn cần chú trọng công tác phân công đoàn viên hoạt động. Khi phân công đoàn viên hoạt động, tổ công đoàn cần căn cứ vào năng lực, sở trường của từng đoàn viên để phân công công việc cho phù hợp.

Bốn là duy trì sinh hoạt tổ công đoàn đều đặn.

Sinh hoạt tổ công đoàn có nề nếp sẽ tạo được bầu không khí dân chủ, tập hợp được trí tuệ của các thành viên trong tổ để tổ chức hoạt động. Đồng thời tạo cho mọi đoàn viên gắn bó với tổ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trong tham gia hoạt động công đoàn.

Do vậy Tổ trưởng công đoàn là người đứng đầu tổ công đoàn, cần có biện pháp cụ thể để duy trì nề nếp sinh hoạt tổ công đoàn và cần chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt để sinh hoạt tổ công đoàn thực sự hấp dẫn, thiết thực đối với đoàn viên. Muốn vậy Tổ trưởng công đoàn cần nắm và vận dụng linh hoạt một số nội dung chủ yếu sau:

- Sinh hoạt định kỳ: tiến hành theo đúng định kỳ quy định, như sinh hoạt theo tháng, quý.

- Sinh hoạt triển khai thực hiện chương trình công tác của công đoàn cấp trên để nghe phổ biến và bàn biện pháp triển khai chương trình, kế hoạch công tác của công đoàn cấp trên.

-  Hội ý trao đổi trực tiếp giữa tổ trưởng, tổ phó với đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, lao động nhằm bàn biện pháp, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ công đoàn triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao.

-  Hội ý, trao đổi với đoàn viên, để đánh giá kết quả hoạt động của tổ công đoàn, thống nhất đề xuất, kiến nghị với công đoàn cấp trên để giải quyết những vướng mắc, biểu dương khen thưởng những đoàn viên. cán bộ, công chức, viên chức, lao động hoạt động xuất sắc.

Trên đây là một số về định hướng nội dung, kinh nghiệm, phương pháp hoạt động cơ bản của Tổ trưởng công đoàn trong tổ chức hoạt động thực tiễn. Tổ trưởng công đoàn cần nghiên cứu, vận dụng linh hoạt, sáng tạo cho phù hợp với điều kiện công tác của cơ quan, đơn vị mình nhằm đem lại hiệu quả cao.

Bài viết cùng chuyên mục

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top