Xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình hoạt động của các cấp công đoàn, có nhiều công đoàn cơ sở vững mạnh thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở và hệ thống công đoàn của ngành, của địa phương mới vững mạnh; trong đó, hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở giữ vai trò khá quan trọng trong xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh hiện nay.
Vấn đề quan tâm trước hết là con người, xác định con người là nhân tố quan trọng quyết định mọi sự thành công hay thất bại của một phong trào, một công việc nào đó. Như vậy một tổ chức công đoàn cơ sở có vững mạnh hay không, trước hết do sự điều hành hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở. Thông qua kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Công đoàn Viên chức tỉnh đối với 19 công đoàn cơ sở trực thuộc về thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam trong năm 2014, cho thấy trong thực tế vẫn còn một số ban chấp hành công đoàn cơ sở chưa nắm chắc, nắm rõ những nhiệm vụ, nguyên tắc, phương pháp hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức triển khai, chỉ đạo hiệu quả các hoạt động công đoàn tại cơ sở. Do đó trong thời gian đến ban chấp hành các công đoàn cơ sở cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, về nhiệm vụ của ban chấp hành công đoàn cơ sở:
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của đại hội công đoàn cấp mình; nghị quyết, kế hoạch, hướng dẫn của công đoàn cấp trên thật sát, đúng với điều kiện thực tế, yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của công đoàn cơ sở thành viên (nếu có), tổ công đoàn, ủy ban kiểm tra, Ban thanh tra nhân dân…
Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo với: Cấp ủy Đảng, công đoàn cấp trên, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, công đoàn cấp dưới và cán bộ, đoàn viên, công chức, viên chức, lao động.
Đại diện cho đoàn viên công đoàn tham gia quản lý, tham dự các cuộc họp tại cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật.
Thực hiện thu – chi tài chính, quản lý tài sản và hoạt động kinh tế của công đoàn theo đúng quy định.
Thứ hai, về nguyên tắc, phương pháp hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở:
Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ: tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thiểu số phục tùng đa số. Nghị quyết của ban chấp hành phải được đa số ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở thông qua.
Các ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở có quyền và nghĩa vụ thảo luận, biểu quyết những vấn đề có liên quan đến hoạt động của công đoàn cơ sở.
Xây dựng quy chế hoạt động ban chấp hành và tổ chức thực hiện quy chế, hoạt động có nền nếp.
Xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động thiết thực.
Phân công, giúp đỡ các ủy viên ban chấp hành, ủy ban kiểm tra hoàn thành nhiệm vụ.
Sơ, tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động.
Sinh hoạt thường kỳ Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở
Thứ ba, về tổ chức hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở:
Ban chấp hành công đoàn cơ sở, công đoàn cơ sở thành viên 3 tháng họp ít nhất một lần (trừ lần đầu họp trong vòng 15 ngày, sau đại hội công đoàn cơ sở).
Hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở phải có ít nhất 2/3 ủy viên tham dự mới có giá trị. Hội nghị phải ghi biên bản, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch công tác…(nếu có).
Nghị quyết hội nghị ban chấp hành công đoàn cơ sở được thông qua và triển khai thực hiện khi có trên 50% ủy viên ban chấp hành dự họp biểu quyết tán thành.
Hội nghị thường kỳ ban chấp hành công đoàn cơ sở không bầu Đoàn chủ tịch hoặc bầu người chủ trì mà chủ tịch công đoàn cơ sở có trách nhiệm chủ trì hội nghị.
Để tăng cường tính dân chủ và thuận lợi cho việc điều hành hội nghị, tùy tình hình cụ thể chủ tịch công đoàn cơ sở có thể cử thêm một hoặc một số phó chủ tịch công đoàn cơ sở tham gia điều hành hội nghị.
Chủ trì hội nghị có trách nhiệm khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu và báo cáo nội dung, chương trình làm việc để hội nghị thông qua. Trực tiếp điều hành các nội dung, chương trình của hội nghị.
Nội dung hội nghị thường kỳ ban chấp hành gồm:
Thảo luận thông qua kết quả hoạt động công đoàn thời gian qua (giữa hai kỳ họp ban chấp hành hoặc mỗi quý, 6 tháng, 1 năm), kế hoạch tổ chức các hoạt động công đoàn thời gian tới và các giải pháp thực hiện.
Thảo luận và ra nghị quyết về các nội dung như: xét kết nạp đoàn viên công đoàn; sắp xếp kiện toàn cơ cấu tổ chức công đoàn cơ sở; công tác cán bộ công đoàn cơ sở; triển khai thực hiện chỉ đạo các hoạt động của công đoàn cấp trên, cấp ủy đảng cơ sở; công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật cán bộ, đoàn viên; phân công, điều chỉnh, bổ sung nhiệm vụ ủy viên ban chấp hành…
Bầu bổ sung ủy viên ban chấp hành, ủy viên ủy ban kiểm tra công đoàn cơ sở (nếu có) theo thủ tục, trình tự của Điều lệ Công đoàn Việt Nam và hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam.
Hội nghị ban chấp hành phải ghi biên bản đầy đủ, làm cơ sở để ban thường vụ, chủ tịch công đoàn cơ sở triển khai thực hiện theo nghị quyết của ban chấp hành đã thông qua.
Các ban chấp hành công đoàn cơ sở cần nắm vững và thực hiện đầy đủ những nội dung cơ bản nêu trên, phát huy ý thức, tinh thần trách nhiệm của từng ủy viên ban chấp hành công đoàn cơ sở, đưa hoạt động của công đoàn cơ sở ngày càng đi vào nền nếp góp phần quan trọng trong việc xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh hàng năm đúng thực chất.