LĐLĐ TỈNH BÌNH THUẬN |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
CĐ NGÀNH XÂY DỰNG |
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc |
Số: 188/CTr-CĐN
|
Bình Thuận, ngày 24 tháng 10 năm 2014
|
CHƯƠNG TRÌNH
ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THƯƠNG LƯỢNG,
KÝ KẾT THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ
Thực hiện Nghị quyết Đại hội X Công đoàn ngành Xây dựng, Ban Chấp hành Công đoàn ngành Xây dựng khoá X, nhiệm kỳ 2013-2018 xây dựng Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết thoả ước lao động tập thể như sau:
A. TÌNH HÌNH THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT, THỰC HIỆN THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2008-2013
I. Kết quả đạt được
Đa số các bản thoả ước lao động tập thể (TƯLĐTT) đảm bảo đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật. Các nội dung được ký kết không trái pháp luật và ít nhất cũng bằng quy định của pháp luật. Nhiều bản TƯLĐTT có những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật như: thăm quan, nghỉ mát; tiền thưởng trong các dịp lễ, tết; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tiêu chuẩn bồi dưỡng độc hại bằng hiện vật; khám sức khoẻ định kỳ; mừng sinh nhật, thăm hỏi hiếu, hỉ; hỗ trợ tiền tàu xe khi nghỉ phép, nghỉ tết; hỗ trợ phương tiện đi lại, mua bảo hiểm thân thể...
II. Một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân
1. Một số hạn chế, tồn tại:
- Còn có doanh nghiệp ký kết TƯLĐTT mang tính hình thức, đối phó với cơ quan quản lý nhà nước; TƯLĐTT sau khi ký kết không được phổ biến đến người lao động, không gửi cho Công đoàn ngành Xây dựng; việc kiểm điểm, đánh giá, sửa đổi, bổ sung TƯLĐTT cho phù hợp với chế độ, chính sách mới và tình hình thực tế của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật còn chậm.
- Một số TƯLĐTT chưa có thương lượng thực chất, không tổ chức lấy ý kiến người lao động theo quy định. Chất lượng nhiều bản TƯLĐTT chưa cao, nội dung còn chung chung, chủ yếu sao chép lại các điều khoản quy định trong Bộ luật Lao động, chưa xuất phát từ tâm tư, nguyện vọng và chưa có nhiều điều có lợi hơn so với quy định của pháp luật cho người lao động.
- Tình trạng không thực hiện đúng các cam kết trong TƯLĐTT như: giao kết hợp đồng lao động chưa đúng, chậm thanh toán lương, nợ bảo hiểm xã hội... còn xảy ra ở một số doanh nghiệp.
2. Nguyên nhân:
a/ Nguyên nhân khách quan:
- Các quy định của pháp luật chưa quy định rõ trình tự, đối tượng, thời gian thương lượng tập thể; chưa quy định vai trò của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ trong quá trình thương lượng tập thể tại cơ sở. Do đó, việc tổ chức thương lượng tập thể tại các đơn vị, doanh nghiệp gặp khó khăn.
- Các quy định về chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để buộc các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT.
b/ Nguyên nhân chủ quan:
- Một số người sử dụng lao động, cán bộ công đoàn và người lao động chưa thấy rõ sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT trong việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, trách nhiệm của mình đối với việc chấp hành các quy định của pháp luật về TƯLĐTT nên chưa quan tâm đúng mức.
- Cán bộ công đoàn cơ sở kiêm nhiệm, thường xuyên biến động, hạn chế về thời gian hoạt động, phụ thuộc nhiều vào sự quản lý của người sử dụng lao động và còn thiếu kỹ năng, bản lĩnh trong thương lượng, do đó việc thương lượng chưa thực chất, chất lượng TƯLĐTT chưa cao.
B. ĐỔI MỚI VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG THƯƠNG LƯỢNG, KÝ KẾT THOẢ ƯỚC LAO ĐỘNG TẬP THỂ GIAI ĐOẠN 2013-2018
I. Mục tiêu
1. Mục tiêu tổng quát:
Đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT, tạo cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các bên trong quan hệ lao động, nhằm xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ vì sự ổn định và phát triển bền vững của mỗi doanh nghiệp, của ngành Xây dựng và đất nước; tạo điều kiện cho người lao động thông qua sức mạnh và trí tuệ tập thể để thương lượng, đạt được những lợi ích cao hơn so với quy định của pháp luật; tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động.
- Từng bước nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật để tiến hành thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT ngành Xây dựng.
2. Chỉ tiêu phấn đấu:
- 100% doanh nghiệp có công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật (Mục 1, chương III, Nghị định số 60/2013/NĐ-CP ngày 19/6/2013 của Chính phủ).
- 100% doanh nghiệp nhà nước, 70% trở lên doanh nghiệp ngoài nhà nước có tổ chức công đoàn cơ sở thương lượng và ký kết TƯLĐTT. Trong mỗi TƯLĐTT, có ít nhất hai quy định có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật và thực hiện có hiệu quả.
II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, đặc biệt là các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, TƯLĐTT tới cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động.
2. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong việc tham gia thương lượng, xây dựng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
3. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng về đối thoại tại nơi làm việc; thương lượng tập thể; xây dựng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ công đoàn các cấp trong hệ thống Công đoàn ngành.
4. Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có năng lực, bản lĩnh, tâm huyết đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn trong tình hình mới; hình thành tổ thương lượng, ký kết TƯLĐTT của Công đoàn ngành Xây dựng để trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở và doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT.
5. Tổ chức chỉ đạo điểm về thương lượng, ký kết TƯLĐTT, qua đó rút kinh nghiệm, áp dụng cho các doanh nghiệp khác.
6. Tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Công đoàn ngành trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT tại cơ sở; định kỳ hàng năm kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình vào giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Đối với Công đoàn ngành Xây dựng:
- Tổ chức hoặc cử cán bộ tập huấn về pháp luật lao động, pháp luật công đoàn, đặc biệt là các quy định về đối thoại tại nơi làm việc, kỹ năng thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT cho cán bộ Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở.
- Lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, thành lập tổ thương lượng, ký kết TƯLĐTT của Công đoàn ngành để trực tiếp hỗ trợ công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT; bố trí cán bộ theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thực hiện Chương trình.
- Lựa chọn từ 1 đến 3 công đoàn cơ sở để chỉ đạo điểm về tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, ký kết TƯLĐTT, qua đó rút kinh nghiệm, áp dụng cho các công đoàn cơ sở khác.
- Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình thực hiện quy định của pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT ở cơ sở để có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời các công đoàn cơ sở trực thuộc.
- Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện TƯLĐTT ở những doanh nghiệp chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở khi được người lao động ở đó yêu cầu.
- Tăng cường sự kiểm tra, giám sát đối với công đoàn cơ sở trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT; hàng năm kiểm điểm, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình; tổ chức sơ kết, tổng kết Chương trình vào giữa nhiệm kỳ và cuối nhiệm kỳ.
2. Đối với Công đoàn cơ sở:
- Quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT của Công đoàn ngành.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động, pháp luật công đoàn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết, tác dụng của TƯLĐTT và trách nhiệm của cán bộ, đoàn viên, người lao động trong việc tham gia thương lượng, xây dựng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
- Cử cán bộ tham gia các khoá đào tạo, tập huấn về kỹ năng thương lượng, xây dựng, ký kết TƯLĐTT; quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ về quản trị kinh doanh, xây dựng định mức lao động, đơn giá tiền lương, thang lương, bảng lương, công tác ATVSLĐ... để nâng cao năng lực cho cán bộ công đoàn.
- Chủ động phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể nhằm đạt được những nội dung có lợi hơn cho người lao động so với quy định của pháp luật để ký kết TƯLĐTT; tổ chức phổ biến TƯLĐTT đã ký kết đến tất cả cán bộ, đoàn viên, người lao động để thực hiện và giám sát.
- Thường xuyên cập nhật, nắm bắt đầy đủ thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh, những thuận lợi, khó khăn của doanh nghiệp và nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động để chủ động đề xuất tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể nhằm giải quyết những vướng mắc, khó khăn trong việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động; chủ động đề xuất thương lượng để sửa đổi, bổ sung hoặc ký TƯLĐTT mới cho phù hợp với các chế độ, chính sách mới của nhà nước, tình hình thực tế của doanh nghiệp và nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.
- Giám sát thực hiện TƯLĐTT tại doanh nghiệp; yêu cầu người sử dụng lao động thi hành đúng TƯLĐTT đã ký kết; yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động tập thể khi người sử dụng lao động thực hiện không đầy đủ hoặc vi phạm TƯLĐTT theo quy định của pháp luật về lao động.
- Hàng năm, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại định kỳ tại nơi làm việc.
- Kịp thời báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ của Công đoàn ngành trong quá trình thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT.
Căn cứ mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng thương lượng, ký kết TƯLĐTT giai đoạn 2013-2018 của Công đoàn ngành Xây dựng, các công đoàn cơ sở chủ động nghiên cứu, vận dụng, tổ chức thực hiện và định kỳ từng quý, năm báo cáo kết quả về Công đoàn ngành Xây dựng tổng hợp để báo cáo về Liên đoàn Lao động tỉnh.
|
TM.BAN THƯỜNG VỤ |
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
- Đảng uỷ Sở Xây dựng;
- BTV, UV.BCH, UV.UBKT Công đoàn ngành;
- Các CĐCS trực thuộc;
- Lưu CĐN (2014).
|
Nguyễn Xuân Tới
|