Nông trường cao su Xuân Lộc (viết tắt là Nông trường) là đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh trên lĩnh vực trồng và khai thác cao su trên phần đất của tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có địa bàn quản lý hành chính của xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, Nông trường có hợp đồng lao động với một số công nhân người dân tộc H’Mông ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đến làm việc cạo mủ cao su cho Nông trường từ nhiều năm qua.
(Nơi ở của công nhân người dân tộc H’Mông ở Nông trường trên địa bàn xã Tân Thắng)
Trong tháng 8/2021, một nhóm công nhân người dân tộc H’Mông của Nông trường đã tự phát đi xe máy về quê, đến ranh giới giữa huyện Hàm Tân và thị xã La Gi thì lực lượng ở chốt kiểm dịch ngăn lại không cho đi tiếp. Trước nguyện vọng trở về quê của nhóm người này, chính quyền địa phương đã phối hợp tỉnh Nghệ An thống nhất phương án và đã tổ chức đưa công nhân người dân tộc H’Mông về quê an toàn.
Tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã tác động đến tâm lý lo sợ, một số công nhân người dân tộc H’Mông hiện đang làm việc Nông trường có ý định về quê như nhóm công nhân đã đi trước. Để ổn định tình hình sản xuất, đảm bảo cho niên vụ cao su năm 2021 và chấm dứt tình trạng người lao động bỏ việc, Giám đốc Nông trường đã có buổi làm việc với đại diện công nhân người dân tộc H’Mông. Tại buổi làm việc, Giám đốc Nông trường cam kết chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, chăm sóc y tế và phòng, chống dịch Covid-19; đến hết vụ thu hoạch mủ cao su, Nông trường sẽ đưa toàn bộ công nhân với hơn 100 người dân tộc H’Mông về quê đón tết và tháng 5/2022 sẽ đón số lao động này trở lại Nông trường làm việc.
Vừa qua, đoàn công tác của huyện Hàm Tân đã có buổi làm việc với Giám đốc Nông trường, đại diện công nhân người dân tộc H’Mông và tiếp cận công nhân lao động tại Nông trường. Được biết, công nhân người dân tộc H’Mông được ưu tiên tiêm vắc- xin ngừa Covid-19, có thu nhập ổn định, đã ký vào bản cam kết với Giám đốc Nông trường và yên tâm ở lại làm việc.