• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Văn bản

Kế hoạch Vận dụng triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”

Số hiệu văn bản: 26/KH-LĐLĐ

Ngày ban hành: 31/10/2012

Người đăng: ldldbinhthuan

Ngày đăng: 05/08/2014

File đính kèm: KH%20VE%20DU%20LUAN%20XH.doc

Chi tiết

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 26/KH-LĐLĐ

Bình Thuận, ngày 31 tháng 10 năm 2012

 

KẾ HOẠCH

Vận dụng triển khai thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận”

 

Thực hiện Quyết định số 669-QĐ/TU ngày 22/8/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, nắm bắt và xử lý thông tin dư luận xã hội của ngành Tuyên giáo tỉnh Bình Thuận” từ nay đến hết năm 2013; đồng thời, nghiên cứu xây dựng mở rộng phạm vi áp dụng của Đề án này trong tất cả các tổ chức thuộc hệ thống chính trị trong tỉnh kể từ năm 2014.

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai, vận dụng thực hiện Đề án nêu trên tới các cấp công đoàn trong tỉnh nhằm nắm bắt kịp thời, đầy đủ thông tin dư luận xã hội thông qua cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ. Đồng thời, có trách nhiệm tổng hợp thông tin báo cáo kịp thời đầy đủ, giải trình cụ thể sự việc khi các cơ quan có chức năng xử lý, giải quyết các vấn đề liên quan đến dư luận xã hội yêu cầu.

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

 1. Mục đích

- Thông qua nắm bắt thông tin dư luận xã hội, công đoàn phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp tham mưu cho các cấp ủy Đảng đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo phù hợp với tâm tư, nguyện vọng và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, tham gia định hướng dư luận và góp phần ổn định xã hội.

- Tạo điều kiện để cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ cùng với nhân dân trong tỉnh đóng góp ý kiến, tham gia vào các công việc của Đảng, Nhà nước và địa phương, phát huy vai trò phản biện xã hội, vai trò tham gia kiểm tra, giám sát của tổ chức Công đoàn, của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

- Thông qua việc triển khai vận dụng thực hiện Đề án của các cấp công đoàn  trong tỉnh nhằm khắc phục những hạn chế trong tổ chức, hoạt động nắm bắt thông tin, phân tích, tham gia định hướng dư luận và ổn định xã hội.

2. Yêu cầu

- Nắm bắt thông tin dư luận xã hội phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đồng bộ và gắn với công tác nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ ở các cấp công đoàn trong tỉnh (gọi chung là tình hình công tác tư tưởng).

- Công tác nắm bắt thông tin dư luận xã hội, nắm bắt tình hình tư tưởng là trách nhiệm của các cấp công đoàn trong phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp thực hiện theo đúng chủ trương, quan điểm, chỉ đạo của Đảng. Kết quả nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình công tác tư tưởng báo cáo kịp thời về Liên đoàn Lao động tỉnh để tổng hợp và báo cáo Tỉnh ủy.

- Nhằm thực hiện việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình công tác tư tưởng được kịp thời, thường xuyên, chính xác và đạt mục tiêu đã đề ra thì Ban Chấp hành công đoàn mỗi cấp phải có sự phân công theo dõi, tổng hợp thông tin gắn với việc thực hiện nhiệm vụ về công tác tuyên truyền giáo dục ở mỗi cấp công đoàn.

- Trong quá trình nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình tư tưởng, các cấp công đoàn cần phân biệt dư luận xã hội và tin đồn. Dư luận xã hội là tập hợp các luồng ý kiến cá nhân trước các vấn đề, sự kiện, hiện tượng có tính thời sự, liên quan đến lợi ích, các mối quan tâm của công chúng. Dư luận xã hội được hình thành từ các thông tin qua trao đổi, thảo luận công khai, nguồn tin có thể kiểm chứng, xác nhận. Dư luận xã hội ban đầu thường phân tán, sau đó, qua trao đổi, tranh luận tính thống nhất tăng lên. Tin đồn thường không thể xác nhận được nguồn gốc và độ tin cậy của thông tin. Tin đồn loan xa sẽ có nhiều biến đổi do được thêm thắt. Tin đồn thường mang tính thất thiệt, còn dư luận xã hội phản ánh trung thực suy nghĩ, tình cảm, thái độ của một nhóm, một lực lượng xã hội về một hiện tượng, quá trình, sự kiện nào đó xảy ra trong xã hội.

II. NỘI DUNG NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP, PHƯƠNG THỨC NẮM BẮT, PHẢN ÁNH, XỬ LÝ, PHẢN HỒI THÔNG TIN DƯ LUẬN XÃ HỘI

1. Nội dung nhiệm vụ

- Tổng hợp, phân tích các vấn đề xã hội bức xúc phản ánh trên báo chí; thu thập thông tin qua các luồng ý kiến của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ; qua trao đổi phản ánh, báo cáo đột xuất hay định kỳ của Ban chấp hành công đoàn các cấp; qua trao đổi, phản ánh của cán bộ phụ trách công tác tuyên giáo, của các báo cáo viên tại các cấp công đoàn.

- Tổ chức xác minh, khảo sát các vấn đề xã hội được cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ quan tâm; cử cán bộ tham gia phối hợp điều tra, khảo sát các vấn đề xã hội khi tổ chức Đảng, chính quyền, chuyên môn và các tổ chức liên quan tổ chức triển khai thực hiện.

- Trường hợp phát sinh “điểm nóng”, công đoàn cấp trên trực tiếp nơi có cơ sở phát sinh “điểm nóng” cần báo cáo nhanh bằng điện thoại,  sau đó, có báo cáo chính thức bằng văn bản về Liên đoàn Lao động tỉnh (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công) để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy.

- Phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp trong việc giám sát tình hình an ninh chính trị, tư tưởng tại địa phương, tại ngành, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp; kịp thời đấu tranh phê phán những thông tin, quan điểm sai trái.

2. Giải pháp thực hiện

- Thông qua việc phối hợp triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở; thông qua tổng hợp báo cáo kết quả hoạt động công đoàn theo định kỳ hàng tháng, quý, sáu tháng, cả năm tại mỗi cấp công đoàn để nắm bắt, đánh giá các mặt hoạt động của tổ chức Công đoàn, trong đó, có tổng hợp tình hình về thông tin dư luận xã hội, tình hình công tác tư tưởng.

- Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo, tuyên truyền giáo dục tại các cấp công đoàn trong tỉnh để làm tốt công tác nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình tư tưởng.

- Thông qua đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là thông qua vai trò trách nhiệm của các đồng chí phụ trách, theo dõi công tác tuyên giáo, các đồng chí là Báo cáo viên, ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Ủy ban Kiểm tra công đoàn ở mỗi cấp công đoàn để nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình công tác tư tưởng sát với tình hình tại cơ sở và phù hợp với đặc điểm tình hình ở mỗi cấp công đoàn.

- Thông qua việc thực hiện nhiệm vụ công tác kiểm tra, nhất là các cuộc kiểm tra về chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam tại mỗi cấp công đoàn để kết hợp nắm thông tin dư luận xã hội và tình hình công tác tư tưởng.

- Xác định việc thực hiện nắm bắt thông tin dư luận xã hội, nắm bắt tình hình hình tư tưởng là nhiệm vụ thường xuyên và là trách nhiệm của mỗi cấp công đoàn.

- Trên cơ sở những định hướng, chủ trương của Đảng để phối hợp hoặc chủ động trong việc công khai, minh bạch thông tin, nhất là những thông tin ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội cho cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ biết.

3. Phương thức nắm bắt, phản ánh, xử lý, phản hồi thông tin dư luận xã hội, tình hình công tác tư tưởng

3.1. Các phương thức chủ yếu để nắm bắt

- Quan sát, nghe, trao đổi, tọa đàm, phỏng vấn, chất vấn trực tiếp của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ với những người có trọng trách trong các cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức, cơ quan chuyên môn có liên quan khác.

- Tìm hiểu từ kết quả các cuộc điều tra, thăm dò dư luận xã hội của tổ chức Công đoàn, của các tổ chức, cơ quan khác có liên quan trên địa bàn tổ chức thực hiện việc nắm bắt thông tin.

- Thông qua các buổi giao ban, sinh hoạt định kỳ ở mỗi cấp công đoàn, qua giao ban dư luận xã hội định kỳ với các tổ chức, cơ quan có liên quan trên địa bàn tổ chức.

3.2. Các hình thức phản ánh thông tin

- Thông qua giao ban, sinh hoạt định kỳ của các cấp công đoàn, giữa tổ chức Công đoàn tham gia giao ban dư luận xã hội định kỳ với các tổ chức, cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức.

- Trao đổi trực tiếp hoặc qua điện thoại, email, fax từ các cấp công đoàn và được báo cáo phản ánh về Liên đoàn Lao động tỉnh (thông qua Ban Tuyên giáo - Nữ công) để tổng hợp báo cáo Tỉnh ủy.

- Báo cáo bằng văn bản.

3.3. Cách xử lý, phản hồi thông tin

- Bước một: Chọn lọc, phân tích, đánh giá, rút ra những vấn đề cần xử lý.

- Bước hai: Phân loại, so sánh, đối chiếu thông tin (thông qua việc tiếp cận các nhân chứng, địa chỉ mà dư luận phản ánh, đề cập).

- Bước ba: Phản ánh kịp thời với công đoàn cấp trên và cấp ủy Đảng cùng cấp, chủ động tham mưu đề xuất hướng xử lý thông tin. Trên cơ sở phản ánh, tham mưu đề xuất của các cấp công đoàn, Liên đoàn Lao động tỉnh tổng hợp phản ánh với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy để xin ý kiến chỉ đạo, kết luận và hướng xử lý thông tin của Tỉnh ủy.

- Bước bốn: Trên cơ sở kết luận, định hướng thông tin của Tỉnh ủy, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ chỉ đạo việc phản hồi thông tin kịp thời, nhanh nhất tới các cấp công đoàn để tuyên truyền tới cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

1. Thời gian từ quý IV năm 2012 đến hết năm 2013

- Căn cứ nội dung của Kế hoạch này các Liên đoàn Lao động cấp huyện, công đoàn cấp ngành triển khai tổ chức thực hiện cho phù hợp với đặc điểm tình hình tại địa phương, ngành mình; đồng thời, định kỳ hàng tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng, báo cáo bằng văn bản tổng hợp việc nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng trong  cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ tại cấp mình gửi về Liên đoàn Lao động tỉnh (qua Ban Tuyên giáo - Nữ công) để tổng hợp gửi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trình xin ý kiến, chủ trương chỉ đạo của Tỉnh ủy.

- Trường hợp phát sinh “điểm nóng”, Liên đoàn Lao động cấp huyện, công đoàn cấp ngành nơi có phát sinh “điểm nóng” cần báo cáo nhanh bằng điện thoại,  sau đó, có báo cáo chính thức bằng văn bản gửi về Liên đoàn Lao động tỉnh  như đã nêu ở trên.

- Hàng tháng, các đồng chí là Báo cáo viên công đoàn thường xuyên nắm bắt thông tin dư luận xã hội, tình hình tư tưởng phản ánh kịp thời với công đoàn cấp mình để tổng hợp theo yêu cầu báo cáo chung.

2. Thời gian từ quý I năm 2014 trở đi

Trên cơ sở những nội dung của Kế hoạch này và khi có chủ trương, chỉ đạo của Tỉnh ủy chính thức mở rộng phạm vi áp dụng của Đề án trong tất cả các tổ chức thuộc hệ thống chính trị của tỉnh thì Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh sẽ có hướng dẫn, điều chỉnh kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện cho phù hợp tới các cấp công đoàn trong tỉnh./.

 

Nơi nhận:

-Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN;

-Thường trực Tỉnh ủy;

-Thường trực LĐLĐ tỉnh;

-Ban Tuyên giáo và Ban Dân vận Tỉnh ủy;

-Các công đoàn cấp huyện, cấp ngành của tỉnh;

-Các đ/c là Báo cáo viên của LĐLĐ tỉnh;

-Lưu: VT, Ban TGNC.

TM. BAN THƯỜNG VỤ

PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC

 

 

(đã ký và đóng dấu)

 

 

Nguyễn Văn Trương

 

Văn bản cùng thể loại

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top