• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Văn Bản

Quy chế Phối hợp công tác giữa Công đoàn với Chính quyền các cấp trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Thuận

Số hiệu văn bản: 78 /QCPH-CĐN-SGDĐT

Ngày ban hành: 02/5/2013

Người đăng: cdgd

Ngày đăng: 12/08/2014

File đính kèm: QUY%20CHE%20PHOI%20HOP%20BCH%20CDGD-CHUYEN%20MON.DOC

Chi tiết

CÔNG ĐOÀN NGÀNH GIÁO DỤC

SỞ GIÁO DỤC – ĐÀO TẠO BÌNH THUẬN

 

           Số:  78 /QCPH-CĐN-SGDĐT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Bình Thuận, ngày  02 tháng 5 năm 2013

           

QUY CHẾ

Phối hợp công tác giữa Công đoàn với Chính quyền các cấp

trong ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Bình Thuận

 

 

- Căn cứ Luật Công đoàn đã được sửa đổi năm 2012 (được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012);

- Căn cứ công văn số 394/CĐGDVN-BGD&ĐT ngày 15/8/2005 của Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo về thỏa thuận giữa Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Bộ Giáo dục – Đào tạo về quan hệ công tác giữa cơ quan giáo dục các cấp và công đoàn trong ngành Giáo dục;  

- Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh và Sở Giáo dục – Đào tạo xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Công đoàn với các cấp Chính quyền trong ngành Giáo dục tỉnh Bình Thuận như sau:

I. NGUYÊN TẮC CHUNG:

1. Công đoàn Giáo dục Bình Thuận là tổ chức chính trị - xã hội của tầng lớp trí thức và những người lao động trong ngành Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận, có chức năng đại diện chăm lo và bảo vệ các quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, tham gia quản lý, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan quản lý, các cơ sở giáo dục tại địa phương; giáo dục động viên cán bộ - công chức và người lao động phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghĩa vụ của người công dân, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ chính trị của địa phương và của ngành.

2.Quan hệ công tác giữa Công đoàn trong ngành và Chính quyền là quan hệ hợp tác, tôn trọng quyền độc lập về tổ chức của mỗi bên. Thủ trưởng cơ quan quản lý các cơ sở giáo dục khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình; nếu có vấn đề liên quan đến trách nhiệm, quyền, lợi ích của người lao động thì nhất thiết phải có sự phối hợp, bàn bạc với BCH Công đoàn cùng cấp để giải quyết.

II. VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP THỰC HIỆN NHIỆM VỤ CHUYÊN MÔN:

1. Thủ trưởng cơ quan giáo dục cần thông tin đầy đủ, kịp thời những đường lối, chủ trương,  chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương liên quan đến giáo dục và đào tạo để tổ chức Công đoàn và cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành biết.

2. Ban Chấp hành Công đoàn giáo dục có trách nhiệm và chủ động phối hợp với cơ quan quản lý giáo dục cùng cấp tổ chức động viên người lao động trong đơn vị tích cực tham gia thực hiện. Trong đó cần tập trung: đổi mới giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có phẩm chất đạo đức tốt, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn đào tạo theo quy định, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.

3. Thủ trưởng cơ quan giáo dục tạo điều kiện để Công đoàn chủ động tổ chức các hoạt động tham gia quản lý ngành; tích cực tổ chức các hoạt động xã hội để tăng cường thu hút nguồn lực xây dựng ngành; cùng có trách nhiệm trong giải quyết và khắc phục những tồn tại, hạn chế trong ngành; thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục…

III. VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG HOẠT ĐỘNG CỦA  CƠ QUAN GIÁO DỤC:

1. Thủ trưởng cơ quan giáo dục khi xây dựng chương trình, kế hoạch công tác 6 tháng, năm học và dài hạn của ngành, của đơn vị mình cần có sự tham gia ý kiến của BCH Công đoàn cùng cấp. Thủ trưởng cơ quan lấy ý kiến của Công đoàn cùng cấp khi xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện các quy định liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động đồng thời kiểm tra việc thực hiện và giải quyết khiếu nại của người lao động về các vấn đề trên.

2. Công đoàn giáo dục có trách nhiệm cử người đại diện có thẩm quyền trực tiếp tham gia với cơ quan giáo dục cùng cấp xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; triển khai thực hiện các văn bản về chế độ chính sách, nội quy, quy chế liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động. Khi cần thiết, Công đoàn tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động với Thủ trưởng đơn vị để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích của người lao động.

3. Công đoàn tham gia cùng chính quyền chỉ đạo và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện dân chủ, công khai trong việc chọn cử, đề bạt cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Thủ trưởng và BCH Công đoàn cùng cấp có trách nhiệm chuẩn bị nội dung, tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức cùng chỉ đạo, theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị theo chức năng của mỗi bên. 

IV.  VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC TỔ CHỨC, QUẢN LÝ PHONG TRÀO THI ĐUA:

1. Thủ trưởng cơ quan giáo dục các cấp có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các phong trào thi đua của ngành, của đơn vị phù hợp với yêu cầu từng thời kỳ, đặc điểm và đối tượng để triển khai có hiệu quả thiết thực. Sau khi bàn bạc thống nhất với Công đoàn đồng cấp, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mục tiêu, nội dung, chế độ khen thưởng và phối hợp với Công đoàn sơ kết, tổng kết, đánh giá phong trào, quyết định khen thưởng những đơn vị, cá nhân đạt thành tích xuất sắc.

2. Các cấp Công đoàn có trách nhiệm tổ chức và động viên công chức, viên chức, người lao động hăng hái thi đua thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra; tổ chức hội nghị chuyên đề trao đổi kinh nghiệm chỉ đạo phong trào; phát hiện và nhân điển hình tiên tiến; ứng dụng các đề tài khoa học, sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích, họp mặt biểu dương kịp thời các cá nhân, đơn vị tiên tiến.

3. Thủ trưởng cơ quan Giáo dục các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với Công đoàn Giáo dục cùng cấp trong việc thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức phong trào thi đua.

V.  VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP TRONG VIỆC CHĂM LO ĐỜI SỐNG VÀ BẢO VỆ QUYỀN LỢI  HỢP PHÁP CHÍNH ĐÁNG CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG:

1. Thủ trưởng cơ quan Giáo dục tạo điều kiện để công đoàn giáo dục cùng cấp tổ chức phổ biến đầy đủ; kịp thời các chế độ chính sách của Đảng và Nhà nước, của ngành đến người lao động để giám sát và thực hiện. Khi thực hiện chức năng quản lý cán bộ mà có những nội dung liên quan đến trách nhiệm, quyền và lợi ích của người lao động thì phải thảo luận với Công đoàn Giáo dục cùng cấp.        

2. Công đoàn các cấp được tham gia các Hội đồng của đơn vị cùng cấp như: Hội đồng nâng bậc lương, phân phối nhà ở, quỹ phúc lợi, kỷ luật và thi đua khen thưởng…với tư cách là đại diện cho tổ chức của những người lao động. Trường hợp có sự không nhất trí về các vấn đề quan trọng thì hai bên báo cáo lên cơ quan Nhà nước cấp trên trực tiếp và cấp Công đoàn tương đương nghiên cứu chỉ đạo giải quyết. Khi bàn về những vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nữ CB-GV thì mời đại diện Ban nữ công cùng tham gia

3. Các cấp Công đoàn có quyền tổ chức kiểm tra  hoặc phối hợp với các tổ chức liên quan kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, cho thôi việc, tiền lương, tiền thưởng, bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, sử dụng quỹ phúc lợi, quy chế chi tiêu nội bộ và các chế độ chính sách khác có liên quan đến nghĩa vụ, quyền, lợi ích của người lao động. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đáp ứng mọi yêu cầu của việc kiểm tra và xem xét giải quyết các kiến nghị của đại diện Công đoàn.       

4. Công đoàn Giáo dục tỉnh tham gia ý kiến cùng với các cơ quan chức năng của Sở trong việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi những chế độ, chính sách có liên quan đến nghề nghiệp, quyền lợi và đời sống của CB-GV-NV trong ngành. Các cấp Công đoàn động viên CB-GV-NV tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, lao động sản xuất và các hoạt động dịch vụ khác,… phù hợp với pháp luật.

5. BCH Công đoàn phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xây dựng Quy chế sử dụng quỹ phúc lợi tập thể, đưa ra Hội nghị CB-CC lấy ý kiến trước khi ban hành thực hiện.

VI. VỀ QUAN HỆ PHỐI HỢP ĐỂ TẠO ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT CHO HOẠT ĐỘNG CÔNG ĐOÀN:

1. Thủ trưởng cơ quan Giáo dục có trách nhiệm tạo điều kiện và cung cấp phương tiện làm việc và tùy khả năng kinh phí của đơn vị, hàng năm có sự hỗ trợ kinh phí để Công đoàn hoạt động  phong trào.

2.Thủ trưởng cơ quan Giáo dục cùng cấp tạo điều kiện về phương tiện đi lại hoặc thanh toán công tác phí theo chế độ hiện hành đối với ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp khi được Công đoàn Giáo dục cấp trên triệu tập dự Hội nghị, Hội thảo, tập huấn, Đại hội công đoàn,…

3. Chủ tịch CĐCS kiêm nhiệm được giảm một số tiết dạy (thời gian) theo quy định để làm công tác Công đoàn. Khi điều động công tác cán bộ chủ chốt của Công đoàn các cấp, Thủ trưởng đơn vị cần trao đổi thống nhất với BCH Công đoàn đồng cấp.

4. Cán bộ Công đoàn chuyên trách do Công đoàn trả lương vẫn được hưởng các quyền lợi về khen thưởng, phúc lợi … như các cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan giáo dục. Khi thôi làm cán bộ chuyên trách Công đoàn sẽ được sắp xếp việc làm phù hợp với  năng lực và ngành nghề đào tạo.

5. Các cuộc họp giao ban định kỳ và các Hội nghị sơ kết, tổng kết, phổ biến những công tác lớn của ngành, đại diện Công đoàn đồng cấp được mời tham dự để đóng góp ý kiến và quán triệt những công tác của ngành và hoạt động của Công đoàn. Lãnh đạo chính quyền được mời tham dự Hội nghị định kỳ của BCH Công đoàn đồng cấp để thông báo những chủ trương công tác lớn của ngành và đóng góp ý kiến cho hoạt động Công đoàn.

6. Hội nghị Liên tịch giữa Lãnh đạo Chính quyền và Ban Thường vụ Công đoàn Giáo dục đồng cấp được tổ chức theo định kỳ 3 tháng 1 lần ở cấp cơ sở,  6 tháng 1 lần ở cấp trên cơ sở do Công đoàn chủ động chuẩn bị; báo cáo tình hình hoạt động của nữ CB-GV-NV theo định kỳ 6 tháng 1 lần, do Ban Nữ công chuẩn bị.

VII.  ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH:

- Thủ trưởng cơ quan Giáo dục và Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp trong ngành Giáo dục-Đào tạo Bình Thuận căn cứ Quy chế này bàn bạc cụ thể để xây dựng mối quan hệ phối hợp sát với tình hình thực tế của đơn vị.

- Quy chế này được thực hiện từ ngày ký. Trong khi thực hiện có vướng mắc cần báo cáo về Sở GD-ĐT và thường trực Công đoàn Giáo dục tỉnh để nghiên cứu và giải quyết./.

                                               

GIÁM ĐỐC

SỞ GIÁO DỤC –ĐÀO TẠO

 

(đã ký&đóng dấu)

 

 

 

Mai Xuân Bá

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

 

(đã ký&đóng dấu)

 

 

 

Nguyễn Thị Bích Hoàn

 

Nơi nhận:

- Giám đốc, các Phó GĐ Sở GD-ĐT;

- Thường trực Đảng ủy Sở GD-ĐT;

- Ban Chấp hành CĐGD tỉnh;

- Thủ trưởng và Chủ tịch CĐCS trực thuộc;

- Lưu CĐN (Ph 90b).

 

Văn bản cùng thể loại

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top