• Phan Thiết 1
  • Phan Thiết 2
  • Phan Thiết 3
Văn Bản

Kế hoạch về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (kh

Số hiệu văn bản: 20/KH-LĐLĐ

Ngày ban hành: 07/10/2014

Người đăng: ldldphanthiet

Ngày đăng: 03/11/2014

File đính kèm: KE%20HOACH%20CU%20THE%20QD%20217%2C%20218.doc

Chi tiết

  LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ PHAN THIẾT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập- Tự do -Hạnh phúc

Số: 20/KH-LĐLĐ Phan Thiết, ngày 07 tháng 10  năm 2014

 

KẾ HOẠCH

Về việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khoá XI)

---

Thực hiện Hướng dẫn số 16/HD-LĐLĐ ngày 22/9/2014 và Hướng dẫn số 17/HD-LĐLĐ ngày 03/10/2014 của Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Thuận về Công đoàn thực hiện giám sát và phản biện xã hội theo Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị và tiếp tục tuyên truyền, triển khai thực hiện Quyết định số 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị (khóa XI).

Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố xây dựng kế hoạch triển khai đến Công đoàn Giáo dục Phan Thiết, CĐCS, Nghiệp đoàn trực thuộc như sau:

A. CÔNG ĐOÀN THỰC HIỆN GIÁM SÁT VÀ PHẢN BIỆN XÃ HỘI

I. Mục đích, tính chất của giám sát và phản biện xã hội

1. Giám sát nhằm góp phần xây dựng và thực hiện đúng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh; kịp thời phát hiện những sai sót, khuyết điểm, yếu kém và kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của đoàn viên công đoàn, CNVCLĐ, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.

2. Phản biện xã hội nhằm phát hiện những nội dung còn thiếu, chưa sát, chưa đúng, chưa phù hợp trong các văn bản dự thảo của các cơ quan Đảng, Nhà nước; kiến nghị những nội dung thiết thực, góp phần đảm bảo tính đúng đắn, phù hợp với thực tiễn đời sống xã hội và tính hiệu quả trong hoạch định chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Giám sát và phản biện xã hội phải đảm bảo mang tính nhân dân, tính dân chủ xã hội chủ nghĩa, tính xây dựng, tính khoa học và thực tiễn.

II. Nguyên tắc giám sát và phản biện xã hội

1. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội của tổ chức công đoàn phải luôn bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật, Điều lệ Công đoàn Việt Nam

2. Việc giám sát và phản biện xã hội của tổ chức công đoàn phải luôn bảo đảm tính dân chủ, công khai, khách quan, khoa học, thực tiễn và có tinh thần xây dựng; tôn trọng các ý kiến khác nhau, nhưng không trái với quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đoàn viên công đoàn và của Nhà nước.

3. Hoạt động giám sát và phản biện xã hội cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa công đoàn với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cùng cấp, các tổ chức có liên quan; không được làm trở ngại các hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân được giám sát và phản biện xã hội.

III. Hoạt động giám sát  

1. Đối tượng giám sát

1.1. Đối với cơ quan, tổ chức:

a. Đối với tổ chức Đảng: Tổ chức công đoàn thực hiện việc giám sát đối với chi bộ hoặc đảng bộ cùng cấp.

b. Đối với các cơ quan Nhà nước: Tổ chức công đoàn thực hiện việc giám sát đối với Hội đồng nhân dân, chính quyền cùng cấp.

c. Đối với đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp: Các đơn vị sự nghiệp, các doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

1.2. Đối với cá nhân: Là Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nêu trên.

2. Nội dung và phạm vi giám sát

2.1. Đối với cơ quan, tổ chức:

Công đoàn cơ sở căn cứ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; chức năng, nhiệm vụ của công đoàn cơ sở để tổ chức giám sát cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp về việc chỉ đạo triển khai, kiểm tra và kết quả thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong phạm vi quản lý. Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện giám sát đối với những nội dung có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

Việc giám sát thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cần tập trung vào các nội dung trọng tâm sau:

a. Phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến việc làm, bảo đảm việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ cho người lao động; thuế thu nhập cá nhân; thi đua khen thưởng; giá dịch vụ thiết yếu do Nhà nước quản lý như giá điện sinh hoạt, giá nước sinh hoạt, giá nhiên liệu, giá viện phí, giá học phí...

b. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch và sử dụng quỹ đất đai để thực hiện dự án xây nhà ở xã hội cho công nhân viên chức lao động.

c. Tiền lương, thu nhập; hợp đồng lao động; thỏa ước lao động tập thể; Bảo hộ lao động, an toàn vệ sinh lao động; chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho người lao động.

d. Thực hiện Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Việc làm và các luật khác có liên quan đến người lao động.

đ. Xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tổ chức Hội nghị cán bộ công chức, Hội nghị người lao động, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; tổ chức hoạt động Ban thanh tra nhân dân và việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công chức, viên chức và người lao động.

e. Thực hiện các chính sách khác có liên quan đến người lao động, như chính sách đối với người lao động khi sắp xếp, cổ phần hóa, giải thể, phá sản doanh nghiệp và các trường hợp tinh giảm biên chế người lao động tại cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp.

2.2. Đối với cá nhân:

Giám sát đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công, doanh nghiệp nhà nước về thực hiện quyền hạn, nghĩa vụ theo quy định tại Điều lệ Đảng, quy định của Trung ương Đảng, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các luật liên quan khác và theo quyết định của cấp thẩm quyền giao nhiệm vụ.

2.3. Phạm vị giám sát

Tổ chức công đoàn giám sát những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động về chức năng và nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

3. Phương pháp tiến hành giám sát

3.1. Xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát:

a. Xác định nội dung, đối tượng, phạm vi giám sát:

Từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm, các công đoàn cơ sở căn cứ thực tế việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về các nội dung nêu tại điểm 2 Mục III của kế hoạch này và kế hoạch giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để xác định nội dung, đối tượng phạm vi giám sát, hình thức giám sát và xử lý sau giám sát.

Việc giám sát cần làm rõ mức độ chấp hành pháp luật hoặc các quy định của Đảng, kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ sở được giám sát, những thành tích, đóng góp của cơ sở và những yếu kém, sai phạm phải được sửa chữa, khắc phục.

b. Khi xây dựng kế hoạch giám sát cần có sự phối hợp chặt chẽ, cụ thể là:

Khi giám sát cấp ủy đảng, chính quyền cùng cấp thì công đoàn phối hợp với cơ quan thường trực cùng cấp để thống nhất mục đích, yêu cầu nội dung, thời gian, số lượng cơ quan, đơn vị thực hiện.

c. Xác định các nguồn lực thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát, gồm: Kinh phí, nhân lực và phương tiện cần có để thực hiện kế hoạch giám sát.

3.2. Ban hành kế hoạch giám sát, gửi cho đối tượng giám sát triển khai thực hiện:

Sau khi chuẩn bị xong nội dung chương trình, kế hoạch giám sát thì chủ tịch công đoàn ra quyết định ban hành và gửi cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để tạo điều kiện hoặc tham gia giám sát đồng thời gửi công đoàn cấp trên trực tiếp để báo cáo.

b. Gửi đối tượng giám sát để thực hiện theo chương trình, kế hoạch giám sát.

3.3. Tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát:

a. Sau khi ban hành chương trình, kế hoạch giám sát thực hiện giám sát:

Chủ tịch công đoàn quyết định thành lập đoàn giám sát đến làm việc với cấp ủy, chính quyền, chuyên môn cùng cấp để tìm hiểu đánh giá việc thực hiện nội dung giám sát.

Trong chương trình, kế hoạch nếu có nội dung phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thì phải mời đại diện tham gia đoàn giám sát.

Kết quả giám sát, phát hiện điển hình tiên tiến trong tổ chức thực hiện thì phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền, phổ biến các bài học kinh nghiệm để nhân rộng điển hình.

b. Giao cho công đoàn cơ sở thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát:

Công đoàn cơ sở được giao thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát đối tượng giám sát trong phạm vi phân cấp quản lý phải tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại điểm a mục 3.3 của kế hoạch này.

Trước khi thực hiện phải báo cáo cấp ủy và thông báo cho chính quyền, chuyên môn cùng cấp biết để tạo điều kiện tổ chức thực hiện.

Báo cáo kết quả giám sát về Liên đoàn Lao động thành phố.

3.4. Các hình thức tiến hành giám sát:

a. Tổ chức đoàn giám sát đến gặp trực tiếp đối tượng giám sát yêu cầu cung cấp thông tin, tự liệu làm cơ sở đánh giá kết quả thực hiện nội dung giám sát: Văn bản chỉ đạo, báo cáo kiểm tra, báo cáo thực hiện kết luận kiểm tra, thanh tra và các tài liệu khác liên quan đến nội dung giám sát; trao đổi, phỏng vấn trực tiếp làm rõ nội dung cần quan tâm.

b. Tổ chức đối thoại giữa đại diện tổ chức Công đoàn với đối tượng bị giám sát về nội dung người lao động đang quan tâm cần làm rõ trả lời nhằm ổn định tư tưởng công chức, viên chức và người lao động..

c. Tổ chức lấy ý kiến người lao động về nội dung giám sát qua gửi phiếu khảo sát hoặc góp ý kiến qua hòm thư góp ý hoặc bằng phương thức khác phù hợp.

d. Tiếp thu ý kiến, kiến nghị phản ánh trực tiếp của đoàn viên công đoàn, người lao động về nội dung giám sát đối với đối tượng giám sát.

đ. Thông qua kết quả thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, báo cáo hoạt động của Ban thanh tra nhân dân trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước.

e. Tổng hợp, nghiên cứu nội dung và kết quả giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân, đoàn viên, người lao động về nội dung giám sát.

g. Tham gia đoàn giám sát của cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp về nội dung giám sát liên quan đến quyền lợi ích, nghĩa vụ của người lao động.

4. Quyền và trách nhiệm giám sát

Khi tiến hành giám sát, công đoàn cơ sở thực hiện theo quy định tại khoản 1, điều 8 “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị; khi đối tượng giám sát yêu cầu tổ chức đối thoại làm rõ kiến nghị trong báo cáo giám sát thì phải chuẩn bị nội dung và tổ chức cuộc đối thoại làm rõ về nội dung kiến nghị đó.

IV. Hoạt động phản biện xã hội

1. Đối tượng và phạm vi phản biện

1.1. Đối tượng và phạm vi phản biện của Công đoàn là các văn bản dự thảo về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhà nước, của địa phương, đơn vị, doanh nghiệp liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức Công đoàn.

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, vấn đề phản biện cụ thể cần tập trung vào nội dung và phạm vi giám sát đối với cơ quan, tổ chức được quy định tại điểm 2.1, mục 2 của kế hoạch này.

1.2. Tham gia phản biện các nội dung theo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

2. Nội dung phản biện

Ngoài phản biện các nội dung theo quy định tại Khoản 2 Điều 9 “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” được ban hành kèm theo Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị, công đoàn cơ sở còn thực hiện thêm một số nội dung phản biện sau:

2.1. Quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

2.2. Chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn theo quy định của pháp luật.

3. Các hình thức phản biện

3.1.Tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của đoàn viên công đoàn, người sử dụng lao động và các đối tượng bị tác động trực tiếp của nội dung phản biện. Nghiên cứu, phân tích, tổng hợp các ý kiến tham gia xây dựng văn bản liên quan đến nội dung phản biện.

3.2. Tổ chức đối thoại với cơ quan soạn thảo văn bản về nội dung phản biện mà công đoàn quan tâm.

3.3. Cử cán bộ công đoàn am hiểu từng lĩnh vực nghiên cứu xây dựng văn bản phản biện.

4. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phản biện

4.1. Xây dựng kế hoạch phản biện:

Đầu quý IV hàng năm, tổ chức công đoàn gửi văn bản đề nghị các cơ quan tổ chức báo cáo văn bản cần phản biện của năm sau. Căn cứ vào yêu cầu phản biện của cơ quan, tổ chức gửi đến, công đoàn xây dựng chương trình, kế hoạch phản biện năm sau.

Việc dự toán kinh phí để thực hiện kế hoạch phản biện thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước bảo đảm theo kế hoạch hàng năm, trình cấp có thẩm quyền đồng cấp phê duyệt theo quy định tại Nghị quyết số 191/2013/NQ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết về tài chính công đoàn.

Trong trường hợp có yêu cầu phản biện xã hội đột xuất, thì các bên sẽ thống nhất bổ sung vào chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

4.2. Tổ chức phản biện:

Tùy theo tính chất, phạm vi đối tượng điều chỉnh của nội dung văn bản phản biện và quỹ thời gian chuẩn bị ý kiến phản biện, công đoàn cơ sở tổ chức lấy ý kiến phản biện và lựa chọn hình thức phản biện cho phù hợp.

Chủ tịch công đoàn cơ sở khi nhận được văn bản phản biện phải giao cho đơn vị, người phụ trách làm đầu mối tổ chức xây dựng văn bản phản biện của cơ quan mình.

Kết quả phản biện làm thành văn bản do Chủ tịch công đoàn ký, đóng đấu và gửi đến cơ quan yêu cầu (đề nghị) công đoàn tham gia phản biện.

Theo dõi việc tiếp thu ý kiến phản biện của cơ quan soạn thảo văn bản. Khi cơ quan soạn thảo văn bản chưa tiếp thu ý kiến phản biện của Công đoàn mà chưa có ý kiến giải thích hoặc giải thích chưa thuyết phục thì cơ quan Công đoàn phản biện bảo lưu ý kiến của mình và phản ánh lên cấp có thẩm quyền trực tiếp.

B. CÔNG ĐOÀN THAM GIA GÓP Ý XÂY DỰNG ĐẢNG, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN

I. Những quy định chung

1. Nguyên tắc và mục đích góp ý

1.1. Việc góp ý phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, trung thực, có tính xây dựng, thể hiện quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn, của đoàn viên, CNVCLĐ tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước.

1.2. Việc góp ý phải đảm bảo nguyên tắc: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ; phải phù hợp với các quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; không được lợi dụng việc góp ý để vu cáo, đả kích, bôi xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự và hoạt động của tổ chức, cá nhân.

1.3. Các ý kiến góp ý bằng văn bản của tập thể do Chủ tịch công đoàn cơ sở ký tên, đóng dấu, không nhân danh cá nhân; các ý kiến góp ý của cá nhân là cán bộ, đoàn viên, người lao động phải đảm bảo năng lực chủ thể theo quy định.

2. Phạm vi góp ý

2.1. Việc góp ý được thực hiện từ thành phố đến cơ sở.

2.2. Tổ chức công đoàn từ thành phố đến cơ sở, cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động góp ý với cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên công tác ở các cơ quan, đơn vị cùng cấp.

3. Chủ thể góp ý

3.1. Tập thể: Liên đoàn Lao động thành phố; Công đoàn Giáo dục Phan Thiết và công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

3.2. Cá nhân: là cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức và người lao động hiện đang công tác, làm việc tại cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trách nhiệm quản lý của Liên đoàn Lao động thành phố.

3.3. Yêu cầu đối với chủ thể góp ý:

Ghi rõ tên, số điện thoại để tiện liên lạc (nếu có), địa chỉ (khi cần liên hệ) của cá nhân, tập thể có ý kiến góp ý.

Thể hiện rõ đối tượng cần góp ý và nội dung góp ý.

Việc góp ý phải chân thành; không được lợi dụng việc góp ý để nói xấu, bội nhọ, trù dập cán bộ, công chức, viên chức; không được xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cá nhân, tập thể có ý kiến góp ý chịu trách nhiệm về nội dung góp ý của mình.

Cá nhân, tập thể thực hiện việc góp ý kiến thông qua một trong những cách thức sau đây:

- Trực tiếp đến cơ quan, đơn vị, tiếp nhận để gửi.

- Qua “Hòm thư góp ý” đặt ở trụ sở cơ quan, đơn vị.

- Thông qua dịch vụ bưu chính.

- Trình bày trực tiếp.

II. Góp ý xây dựng Đảng

1. Đối tượng góp ý

1.1. Liên đoàn Lao động thành phố góp ý với các ban xây dựng đảng của Thành uỷ, Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy, các đồng chí Thành ủy viên, các đồng chí Đảng – Đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh.

Công đoàn giáo dục Phan Thiết tham gia góp ý đối với chi bộ Phòng Giáo dục - Đào tạo Phan Thiết, cán bộ đảng viên Phòng Giáo dục – Đào tạo Phan Thiết, đồng thời tham gia ý kiến với Liên đoàn lao động thành phố để góp ý đối với các ban xây dựng Đảng của Thành ủy và Đảng – Đoàn Liên đoàn Lao động tỉnh.

Công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn góp ý cho các chi uỷ, chi bộ cùng cấp.

1.2. Cán bộ, đảng viên.

2. Nội dung

2.1. Góp ý với tổ chức đảng:

a. Dự thảo nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy chế, quy định, kết luận... (sau đây gọi chung là quy định) của Đảng có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; dự thảo báo cáo chính trị của cấp ủy, tổ chức đảng trước mỗi kỳ đại hội.

b. Việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan đảng, cấp ủy, tổ chức đảng.

c. Mối quan hệ giữa cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên với CNVCLĐ.

2.2. Góp ý với đảng viên:

a. Thực hiện các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

b. Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng; mối quan hệ giữa đảng viên với CNVCLĐ.

3. Phương pháp góp ý

3.1. Góp ý định kỳ

a. Công đoàn cơ sở góp ý bằng văn bản mỗi năm một lần trước khi kiểm điểm cấp ủyvà trước khi kết thúc nhiệm kỳ của cấp ủy cùng cấp.

b. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp với đoàn viên, CNVCLĐ mỗi năm một lần.

3.2. Góp ý thường xuyên

a. Thông qua hòm thư góp ý xây dựng Đảng.

b. Thư góp ý gửi đến công đoàn hoặc gửi trực tiếp đến cấp ủy cùng cấp.

c. Thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, đảng viên.

3.3. Góp ý đột xuất

a. Góp ý các văn bản dự thảo do cấp ủy, gửi đến công đoàn hoặc đăng công khai trên các bản tin tại đơn vị.

b. Góp ý khi có yêu cầu hoặc khi công đoàn thấy cần thiết.

c. Góp ý khi đại diện tổ chức đảng làm việc với tổ chức công đoàn.

4. Trách nhiệm của tổ chức công đoàn các cấp

4.1. Chủ trì tổ chức việc góp ý định kỳ (điểm a) và thường xuyên (điểm a và b); tập hợp, tổng hợp ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân trong các hoạt động góp ý định kỳ (điểm a và b), góp ý thường xuyên (điểm a và b) và góp ý đột xuất (điểm a và b) để chuyển đến cấp ủy được góp ý.

4.2. Phối hợp với cấp ủy cùng cấp để thực hiện nội dung góp ý định kỳ (điểm b và c) và góp ý đột xuất (điểm b).

4.3. Theo dõi và thông tin kết quả tiếp thu góp ý của cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên tới tổ chức, cá nhân góp ý.

4.4. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

III. Góp ý xây dựng chính quyền

1. Đối tượng góp ý

1.1. Liên đoàn Lao động thành phố góp ý đối với Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố; Lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố.

Công đoàn cơ sở góp ý đối với Hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân và chính quyền, chuyên môn cùng cấp.

1.2. Cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cá nhân).

2. Nội dung góp ý

2.1. Góp ý với cơ quan, tổ chức:

a. Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan đến CNVCLĐ và tổ chức công đoàn.

b. Việc thể chế hóa, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, hội đồng nhân dân và các văn bản quy phạm pháp luật.

c. Việc thực hiện cải cách hành chính; phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác.

d. Việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về dân chủ ở cơ sở; công tác tiếp dân và giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân.

2.2. Góp ý với cá nhân:

a. Việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ công dân.

b. Về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và trách nhiệm nêu gương, trách nhiệm thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.

3. Phương pháp góp ý

3.1. Góp ý định kỳ

a. Công đoàn cơ sở góp ý  bằng văn bản mỗi năm một lần đối với các nội dung nêu tại điểm 2 (góp ý với cơ quan, tổ chức) của kế hoạch này cho các đối tượng góp ý cùng cấp.

b. Tổ chức đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu đơn vị với đoàn viên, CNVCLĐ mỗi năm một lần.

c. Tổ chức lấy ý kiến tại hội nghị cán bộ công chức (đối với cơ quan, đơn vị) và hội nghị người lao động (tại các doanh nghiệp) mỗi năm một lần.

3.2. Góp ý thường xuyên

a. Thông qua hòm thư góp ý xây dựng chính quyền đặt công khai tại trụ sở.

b. Thư góp ý gửi đến công đoàn hoặc gửi trực tiếp đến cơ quan chính quyền.

c. Thông qua tiếp xúc trực tiếp của cán bộ, công chức, viên chức.

3.3. Góp ý đột xuất

a. Góp ý vào các văn bản dự thảo do chuyên môn cùng cấp gửi đến tổ chức công đoàn hoặc đăng công khai trên bản tin của đơn vị.

b. Góp ý cho cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức khi có yêu cầu hoặc khi tổ chức công đoàn thấy cần thiết.

c. Góp ý khi các đồng chí lãnh đạo thành phố, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành phố, các phòng ban liên quan đến hoạt động tổ chức công đoàn.

4. Trách nhiệm của tổ chức công đoàn

4.1. Tổ chức góp ý định kỳ theo nội dung quy định tại điểm a; góp ý đột xuất theo nội dung tại điểm a và b khoản 3.1 mục 3 về góp ý xây dựng chính quyền của kế hoạch này.

4.2. Phối hợp với các cơ quan nhà nước thực hiện các nội dung quy định tại các điểm b, c khoản 3.1, điểm b, khoản 3.3 (mục 3 về góp ý xây dựng chính quyền) của kế hoạch này.

3. Tổng hợp ý  kiến góp ý ở các điểm b, c của khoản 3.1; điểm b khoản 3.2 và điểm b khoản 3.3 (mục 3 về góp ý xây dựng chính quyền) chuyển đến các cơ quan, tổ chức có liên quan.

4. Theo dõi và thông báo kết quả tiếp thu góp ý của cơ quan nhà nước tới tổ chức, cá nhân góp ý.

5. Thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bí mật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn.

1. Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn chi tiết cho cán bộ, đoàn viên và người lao động tại cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp về các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của công đoàn về quyền, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, chuyên môn cùng cấp của hệ thống công đoàn nói chung và công đoàn cơ sở nói riêng; chủ động phát hiện, phổ biến và nhân rộng những tập thể và cá nhân điển hình của đơn vị về công tác này.

2. Trực tiếp tổ chức hoặc phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đồng cấp tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cũng như đối thoại trực tiếp với đoàn viên, CNVCLĐ.

3. Tổng hợp ý kiến góp ý, kiến nghị của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ chuyển đến cơ quan, tổ chức có liên quan; theo dõi, thông báo kết quả tiếp thu góp ý của cấp ủy, chính quyền cùng cấp tới tổ chức, cá nhân góp ý.

4. Hàng năm xây dựng dự toán nguồn kinh phí, nhân lực và thời gian thực hiện, trình chủ thể có thẩm quyền phê duyệt trong quý IV năm trước. Chú ý, xây dựng kế hoạch dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh theo kinh nghiệm từ năm trước liền kề để chủ động về kế hoạch.

5. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về giữ gìn bí mật trong quá trình thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

II. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Hàng năm hoặc đột xuất, công đoàn xem xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội và tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo thẩm quyền.

2. Tổ chức, cá nhân có hành vi trả thù, trù dập, cản trở tổ chức, cá nhân giám sát, phản biện xã hội hoặc bao che cho người có hành vi trả thù, trù dập, cản trở hoặc can thiệp trái quy định của Quy chế thì tùy theo mức độ vi phạm thì bị xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

3. Những hành vi lợi dụng quyền giám sát và phản biện xã hội làm cản trở hoạt động, gây tổn hại đến uy tín hoặc danh dự của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng giám sát, phản biện hoặc được góp ý đều bị xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật và Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Liên đoàn Lao động thành phố để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

 

Nơi nhận:

TM. BAN CHẤP HÀNH

CHỦ TỊCH

- Thường trực LĐLĐ tỉnh;

- Ban Tuyên giáo LĐLĐ tỉnh;

- Thường trực Thành ủy;

- Các ban xây dựng Đảng TP;

- HĐND, UBND TP;

- Ủy ban MTTQVN TP;

 Công đoàn Giáo dục Phan Thiết;

- CĐCS, Nghiệp đoàn trực thuộc;

- Lưu.

 

 

 

 

Võ Huy Luận

 

Văn bản cùng thể loại

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top