Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm (NNĐHNH) và đặc biệt NNĐHNH trong ngành Y tế được xây dựng và ban hành từ năm 1996 tại 2 Quyết định (QĐ) của Bộ LĐ-TB&XH. Đó là Quyết định số 915/LĐTBXH-QĐ ngày 30/7/1996 của Bộ LĐ-TB và XH về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại nguy hiểm và NNĐHNH. Theo Quyết định này, điều kiện lao động loại VI (có 2 nghề, công việc); loại V (có 10 nghề, công việc); loại IV (có 26 nghề, công việc). Sau đó, tại Quyết định số 1629/LĐTBXH-QĐ ngày 26/12/1996 của Bộ LĐ-TB&XH về việc ban hành tạm thời danh mục nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt nặng nhọc, độc hại nguy hiểm đã bổ sung điều kiện lao động loại V (có tất cả 7 nghề, công việc đều thuộc ngành Dược), loại IV (có 18 nghề, công việc).
|
Hình ảnh về công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ngành Y |
Đến ngày 18/9/2003, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Quyết định số 1152/LĐTBXH-QĐ, trong đó bổ sung điều kiện lao động loại V (có 4 nghề, công việc); loại IV (có 5 nghề, công việc) thuộc ngành Y tế.
Từ đó đến nay, sau 15 năm ngành Y tế chưa nghiên cứu, bổ sung thêm được nghề, công việc NNĐHNH và đặc biệt NNĐHNH nào. Trong khi ngày càng nhiều kĩ thuật mới được triển khai, điều kiện làm việc của nhân viên Y tế có thêm nhiều nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp. Do chưa có tên trong Danh mục nghề, công việc NNĐHNH nên người lao động làm các nghề, công việc đó chưa được hưởng chế độ về công tác ATVSLĐ.
Trên cơ sở đánh giá các yếu tố nguy cơ lây nhiễm bệnh tại nơi làm việc, gánh nặng lao động, stress nghề nghiệp và căng thẳng thần kinh - tâm lý ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế… thiết nghỉ, ngành Y tế cần cùng với các cơ quan chức năng đề xuất xây dựng và cập nhật danh mục nghề, công việc nặng nhọc độc hại, nguy hiểm và đặc biệt NNĐHNH phù hợp với tình hình phát triển hiện nay nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động - nhân viên Y tế, những người thực hiện nhiệm vụ chăm sóc người bệnh nhưng bản thân họ tiềm tàng những mối nguy hiểm mà không được bảo vệ và nhận được sự đền bù thỏa đáng một cách kịp thời.