• Slideshow Chạy chính 1
  • Slideshow Chạy chính 2
  • Slideshow Chạy chính 3
  • Slideshow Chạy chính 4
  • Slideshow Chạy chính 5
  • Slideshow Chạy chính 6
  • Slideshow Chạy chính 7
Đại hội Công đoàn các cấp

Tài liệu Nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, NK 2023-2028

26/12/2023 4771 Đã xem

THÔNG TIN NHANH KẾT QUẢ ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM, NHIỆM KỲ 2023 - 2028

(Tài liệu dùng để tuyên truyền)

 

Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 - 2028 diễn ra từ ngày 01-03/12/2023 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thủ đô Hà Nội. 1.095 đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng và trí tuệ của hơn 11 triệu đoàn viên công đoàn cả nước về dự Đại hội. Sau 3 ngày làm việc, với tinh thần phát huy dân chủ, tập trung trí tuệ, trách nhiệm cao, Đại hội đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra.

Tham dự đại hội có các đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể, cơ quan Trung ương; các đồng chí lãnh đạo các địa phương.

Có 5 đoàn đại biểu quốc tế dự Đại hội gồm Liên hiệp Công đoàn thế giới; Hội đồng Công đoàn Asean (ATUC); Trung ương Liên hiệp Công đoàn Lào (LFTU); Tổng Công hội toàn quốc Trung Quốc; Trung tâm Những người Lao động Cuba.

Thông qua 10 diễn đàn chuyên đề và 10 trung tâm thảo luận tại Đại hội, đại biểu đã thảo luận sôi nổi, trách nhiệm về kết quả hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2018-2023; xác định mục tiêu tổng quát của phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn nhiệm kỳ 2023 - 2028.

1. Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam

Nhiệm kỳ 2018 - 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức so với dự báo, song với sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công đoàn, đoàn viên, người lao động, hoạt động công đoàn tiếp tục có bước chuyển quan trọng, hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XII Công đoàn Việt Nam đề ra. Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực đổi mới và nâng cao chất lượng tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và hoạt động công đoàn; phát hiện, đề xuất nhiều kiến nghị, góp ý xây dựng luật để chăm lo, bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động. Vai trò của Công đoàn trong việc tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp tiếp tục được khẳng định. Các mô hình chăm lo cho đoàn viên, người lao động ngày càng thiết thực, hiệu quả được lan tỏa mạnh mẽ. Quy mô tổ chức được mở rộng, đã chủ động, linh hoạt trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện, xuất hiện nhiều mô hình mới, cách làm hiệu quả, được đoàn viên, người lao động, cấp ủy, chính quyền và người sử dụng lao động ghi nhận. Các cấp công đoàn ứng dụng rộng rãi công nghệ số, internet và mạng xã hội để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, phổ biến pháp luật, truyền tải thông tin và tăng cường tương tác, chia sẻ, tạo sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa đoàn viên, người lao động với tổ chức công đoàn. Công tác tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đồng hành với đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh để lại nhiều dấu ấn, nhiều mô hình sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ đoàn viên, người lao động ra đời, phát huy hiệu quả thể hiện rõ vai trò của tổ chức công đoàn đồng hành cùng đoàn viên, người lao động, chia sẻ với doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các phong trào thi đua yêu nước do công đoàn phát động thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, người lao động tham gia, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn và phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Công tác phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị được tập trung thực hiện. Hoạt động nữ công tiếp tục được đổi mới, có chuyển biến tích cực, góp phần chăm lo bảo vệ quyền lợi của lao động nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế của tổ chức công đoàn được tăng cường, linh hoạt, thích ứng với tình hình mới, theo đúng chủ trương, đường lối đối ngoại, chính sách của Đảng, Nhà nước. Công tác tài chính công đoàn đã được quan tâm chỉ đạo, từng bước đổi mới theo định hướng chú trọng hiệu quả, công khai minh bạch và phù hợp với quy định của pháp luật. Công tác giám sát, nhất là giám sát chuyên đề, giám sát tài chính công đoàn được tăng cường; đồng thời thường xuyên chỉ đạo chấn chỉnh trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản.

2. Mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, khâu đột phá, các chương trình, nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

2.1. Mục tiêu:

Đổi mới tổ chức và hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, tập trung thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, trọng tâm là đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; tích cực, chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội. Hoàn thiện mô hình tổ chức, thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập công đoàn; xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn có trí tuệ, bản lĩnh, tâm huyết, trách nhiệm, uy tín và phương pháp công tác tốt. Đổi mới, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, kỷ luật lao động, ý thức pháp luật của đoàn viên, người lao động; xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đến cuối nhiệm kỳ, hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập, Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, là chỗ dựa tin cậy của người lao động, là cơ sở chính trị - xã hội vững chắc của Đảng, Nhà nước ta.

2.2. Các chỉ tiêu phấn đấu

* Chỉ tiêu hàng năm

- 85% trở lên đoàn viên, người lao động được tuyên truyền, phổ biến, học tập, quán triệt chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến lao động và công đoàn; Công đoàn tham gia thúc đẩy để ít nhất 65% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp.

- 100% công đoàn cơ sở khu vực hành chính, sự nghiệp công lập, doanh nghiệp khu vực nhà nước, ít nhất 85% công đoàn cơ sở doanh nghiệp, đơn vị ngoài khu vực nhà nước tham gia với người sử dụng lao động ban hành, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Bình quân mỗi công đoàn cơ sở giới thiệu ít nhất 01 đoàn viên ưu tú cho Đảng xem xét, bồi dưỡng kết nạp.

- 100% chủ tịch công đoàn cơ sở bầu mới được tập huấn, bồi dưỡng với hình thức phù hợp.

- Ít nhất 80% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ; ít nhất 80% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước và 55% công đoàn cơ sở ngoài khu vực nhà nước xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Ít nhất 80% công đoàn cơ sở doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước có đủ điều kiện thành lập ban nữ công quần chúng theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

- 100% công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức thực hiện việc kiểm tra tài chính cùng cấp đúng tiến độ; ít nhất 10% công đoàn cơ sở doanh nghiệp được công đoàn cấp trên kiểm tra, giám sát tài chính.

* Chỉ tiêu đến hết nhiệm kỳ

- Cả nước có 15 triệu đoàn viên công đoàn, thành lập tổ chức cơ sở ở 100% doanh nghiệp có từ 25 lao động trở lên.

- Ít nhất 83% doanh nghiệp, đơn vị có tổ chức công đoàn đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được công đoàn thương lượng, ký kết được thỏa ước lao động tập thể theo quy định của pháp luật.

- Phấn đấu 90% trở lên số vụ việc về lao động khởi kiện tại tòa án được công đoàn hỗ trợ, tham gia tố tụng bảo vệ khi đoàn viên có yêu cầu.

2.3. Khâu đột phá

- Đẩy mạnh đối thoại, thương lượng tập thể, trọng tâm là tiền lương, tiền thưởng, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động.

- Tập trung phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

- Xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn tại doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

2.4. Đại hội xác định 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu tập trung thực hiện gồm:

- Tập trung thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đoàn viên, người lao động.

- Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động; đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước..

- Xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; thu hút, tập hợp đông đảo người lao động gia nhập Công đoàn Việt Nam.

- Tham gia xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

- Tập trung thành lập Ban nữ công công đoàn cơ sở, nhất là ban nữ công quần chúng tại doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

- Đẩy mạnh công tác đối ngoại, mở rộng hợp tác quốc tế.

- Xây dựng nguồn tài chính đủ mạnh để thực hiện tốt nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.

- Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn theo hướng khoa học, sát cơ sở, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, công đoàn cấp trên phục vụ công đoàn cấp dưới.

2.5. Đại hội thông nhất giao Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa XIII xây dựng và triển khai 04 chương trình và 01 nghị quyết chuyên đề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam

- Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước đến năm 2028, tầm nhìn đến năm 2033.

- Chương trình nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng tập thể giai đoạn 2023 - 2028.

- Chương trình xây dựng đội ngũ chủ tịch công đoàn cơ sở đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là chủ tịch công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước.

- Chương trình đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023-2028.

- Chương trình chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động công đoàn.

3. Thông qua Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII

4. Thông qua Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã được bổ sung, sửa đổi.

5. Đại hội đã tổng hợp, lựa chọn một số vấn đề lớn, báo cáo với lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng đại biểu dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam tập trung tám nhóm vấn đề:

Thứ nhất, về việc ban hành, tổ chức thực hiện và đánh giá, tổng kết các Nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công nhân, Công đoàn

Thứ hai, về việc xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến người lao động và tổ chức Công đoàn

Thứ ba, Đảng, Nhà nước quan tâm tính đặc thù của tổ chức Công đoàn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tổ chức hoạt động

Thứ tư, Đảng và Nhà nước đảm bảo các điều kiện hoạt động của tổ chức Công đoàn trong bối cảnh mới

Thứ năm, Đảng và Nhà nước tiếp tục ban hành các chủ trương, chính sách thúc đẩy người lao động có việc làm bền vững, lương đủ sống và đảm bảo an sinh xã hội, phúc lợi xã hội cho người lao động

Thứ sáu, sớm nghiên cứu, sửa đổi, điều chỉnh thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi của công nhân, lao động

Thứ bảy, tăng cường quản lý nhà nước, hạn chế tình trạng người sử dụng lao động vi phạm pháp luật đối với người lao động

Thứ tám, tăng cường hơn nữa trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy và sự phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, các tổ chức, doanh nghiệp đối với hoạt động công đoàn

6. Kết quả bầu cử của Đại hội

Đại hội thống nhất số lượng ủy viên Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 là 177 đồng chí, bầu tại Đại hội 168 đồng chí; thống nhất số lượng Ủy viên Đoàn Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII là 31 đồng chí, tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn, bầu 28 đồng chí tham gia Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII; bầu đồng chí Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XII giữ chức Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII và bầu 5 đồng chí Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn khóa XIII, gồm: Đồng chí Phan Văn Anh, đồng chí Ngọ Duy Hiểu, đồng chí Thái Thu Xương, đồng chí Huỳnh Thanh Xuân, và đồng chí Nguyễn Xuân Hùng; thống nhất số lượng ủy viên Ủy ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XIII là 19 đồng chí, tại Hội nghị lần thứ nhất, Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn bầu 17 đồng chí tham gia Uỷ ban kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XIII và bầu đồng chí Nguyễn Minh Dũng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch giữ chức danh Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII; tại hội nghị lần thứ nhất Ủy ban Kiểm tra đã bầu 02 đồng chí giữ chức danh Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tổng Liên đoàn khóa XIII gồm: đồng chí Nguyễn Ngọc Sơn và đồng chí Lê Bích Thủy.

 (có danh sách nhân sự kèm theo).

7. Phát biểu chỉ đạo Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiệt liệt hoan nghênh, chúc mừng biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực, thành tích, tiến bộ của phong trào công nhân và hoạt động công đoàn cả nước trong nhiệm kỳ vừa qua. Đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh các cấp công đoàn cả nước đã vượt qua mọi khó khăn, đổi mới sáng tạo, triển khai toàn diện có trọng tâm trọng điểm các lĩnh vực công tác, cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu chủ yếu đề ra. Các hoạt động công đoàn đã hướng mạnh về cơ sở, mở rộng và đầu tư nhiều hơn cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước, tập trung hoạt động chăm lo, đại diện bảo vệ quyền lợi đoàn viên, người lao động. Mô hình tổ chức bộ máy của công đoàn ngày càng được hoàn thiện, chất lượng đội ngũ cán bộ công đoàn từng bước được nâng cao.

Tổng Bí thư đã gợi mở 5 vấn đề quan trọng để Đại hội thảo luận phương hướng nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam trong thời gian tới. Thứ nhất đó là: Trong việc chỉ đạo và triển khai hoạt động công đoàn, cần nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ, rằng Công đoàn Việt Nam là một tổ chức chính trị - xã hội hoạt động trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý; vừa là tổ chức chính trị - xã hội, vừa là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Hoạt động của Công đoàn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối của Đảng; Công đoàn cần tích cực phối hợp với Nhà nước, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị và người sử dụng lao động để chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. 

Thứ hai, tiếp tục coi trọng và đổi mới hơn nữa nội dung, cách làm trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, ý thức chính trị, giác ngộ giai cấp, lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, góp phần xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, hiện đại.

Ba là, các cấp công đoàn phải khẳng định được vai trò đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động. Mỗi cán bộ công đoàn phải luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi và trả lời: Người lao động vào tổ chức công đoàn để làm gì và có quyền lợi gì? Phải chăng đó là để họ được giáo dục, học tập, rèn luyện và trưởng thành; được gửi gắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và quyền lợi của mình với công đoàn; tin tưởng công đoàn sẽ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho mình.

Bốn là, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa mô hình tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động công đoàn để phù hợp với cơ cấu lao động, loại hình doanh nghiệp, nhu cầu, nguyện vọng của công nhân, người lao động và yêu cầu hội nhập quốc tế. 

Năm là, với vị thế là một tổ chức chính trị - xã hội, là cơ sở chính trị vững chắc của Đảng, Nhà nước và Chế độ, hơn ai hết, Công đoàn phải phát huy và làm tốt hơn nữa việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, coi đây cũng là trách nhiệm và quyền lợi chính trị của đoàn viên, công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức công đoàn.

Với phương châm “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Phát triển”, Đại hội kêu gọi cán bộ công đoàn, công chức, viên chức, công nhân, lao động cả nước phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam, nêu cao tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm vượt mọi khó khăn, thử thách, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, xây dựng Công đoàn Việt Nam vững mạnh, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa./.

 

Ban Tuyên giáo - Nữ công LĐLĐ tỉnh

Bài viết cùng chuyên mục

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TỈNH BÌNH THUẬN

Địa chỉ:  417 Trần Hưng Đạo, P. Bình Hưng, Tp. Phan Thiết, Bình Thuận

Điện thoại: (0252) 3 822398

Website: www.congdoanbinhthuan.org.vn

Email: liendoanldbt2011@gmail.com

Giấy phép số: 03/GP-TTĐT do Sở Thông tin & Truyền thông cấp ngày 11/10/2016.

Thiết kế bởi Tính Thành.

Top