Trong những năm qua, hoạt động của tội phạm ma túy trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng tăng, tỷ lệ phát hiện bắt, khởi tố tội phạm về ma túy năm sau cao hơn năm trước từ 10 – 15%, số lượng vật chứng là ma túy tổng hợp tăng từ 200 – 500% (theo Báo cáo tổng kết thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020 của UBND tỉnh); các chất ma túy chủ yếu đưa vào địa bàn tỉnh là heroin và ma túy tổng hợp, các loại ma túy truyền thống là heroin, cần sa dần được thay thế bằng các loại ma túy tổng hợp như Methamphetamine (ma túy đá). Hoạt động mua bán ma túy chủ yếu được thông qua điện thoại di động, gần đây một số đối tượng lợi dụng mạng xã hội như Zalo, Facebook để trao đổi mua bán ma túy, gây khó khăn cho công tác điều tra, khám phá. Tội phạm và tệ nạn ma túy tập trung chủ yếu ở 3 địa bàn trọng điểm là thành phố Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong, thời gian gần đây là huyện Đức Linh (giáp ranh với tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng). Một số địa phương như Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc có số người nghiện từ 200 – 300, hàng năm phát sinh nghiện mới từ 50 – 100 người. Hoạt động của tội phạm ma túy được phát hiện chủ yếu qua tuyến đường bộ Quốc lộ 1; lĩnh vực phức tạp về ma túy là Bar, vũ trường, nhà nghỉ, karaoke…
Hội nghị tuyên truyền về pháp luật phòng, chống ma túy cho công nhân lao động huyện Tuy Phong năm 2019
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của tệ nạn ma túy nêu trên, Liên đoàn Lao động tỉnh đã phối hợp với phòng chức năng của Công an tỉnh và các huyện, thị, thành phố triển khai công tác tuyên truyền, chủ động phòng ngừa và đấu tranh với các hành vi liên quan nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm phòng, chống ma túy trong công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn xây dựng kế hoạch, tuyên truyền giáo dục, phòng, chống ma tuý trong công nhân lao động. 100% Liên đoàn Lao động các huyện, thành phố, Công đoàn ngành, Công đoàn các khu công nghiệp và Công đoàn cơ sở trực thuộc đã triển khai các nội dung tuyên truyền, trong đó vận động công nhân lao động nói không với ma tuý, đăng ký cam kết không liên quan tới ma tuý. Công tác tuyên truyền phòng, chống ma tuý được thực hiện đa dạng hoá trên các phương tiện thông tin đại chúng; panô, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi phát cho người lao động, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, tập trung vào “Tháng hành động phòng, chống ma túy”; “Ngày thế giới phòng, chống ma túy” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma túy (26-6)”. Phương pháp tuyên truyền được đổi mới, linh hoạt về thời gian, địa điểm phù hợp với từng doanh nghiệp nhằm không ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của doanh nghiệp, đời sống, thu nhập của người lao động và đem lại hiệu quả thiết thực; hướng mạnh vào đối tượng công nhân lao động trẻ, nhập cư, vì phần lớn công nhân trẻ, nhập cư trình độ, hiểu biết, kiến thức pháp luật còn hạn chế, dễ bị lôi kéo vào các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy. Qua đó, người lao động hiểu thêm về tác hại của ma tuý để chủ động phòng, chống, bảo vệ sức khoẻ của chính mình, gia đình và cộng đồng. Cùng với đó, các cấp Công đoàn còn vận động công nhân lao động tích cực tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc; xây dựng gia đình, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá; đẩy mạnh xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở.
Phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển rộng khắp; các thiết thế văn hóa từng bước được đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần, thu hút người lao động tham gia vào các hoạt động lành mạnh, tránh xa ma túy, tệ nạn xã hội. Đặc biệt, thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26-3-2008 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới”, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Công đoàn phối hợp chặt chẽ với chính quyền, chuyên môn đồng cấp triển khai công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy tới công nhân lao động.
Trong 05 năm (2015-2020), các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức trên 17.759 hoạt động tuyên truyền kết hợp với tuyên truyền về phòng, chống tội phạm, phòng, chống ma túy cho hơn 382 nghìn lượt công nhân, viên chức, lao động; phát hành và chuyển tải đến cơ sở hơn 134 ngàn tài liệu tuyên truyền; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã tập trung nhiều hơn vào đối tượng công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh xây dựng, thực hiện Chuyên mục “Lao động và Công đoàn” phát trên sóng truyền thanh và truyền hình tỉnh mỗi tháng 02 kỳ; thông qua Cổng Thông tin điện tử của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử của Tỉnh ủy và Trang Thông tin điện tử tổng hợp (Website Công đoàn Bình Thuận), các phương tiện thông tin đại chúng khác của Trung ương và địa phương, các cấp công đoàn thường xuyên cung cấp thông tin, đưa tin bài phản ánh kịp thời về phong trào công nhân, viên chức, lao động đã góp phần tích cực trong công tác tuyên truyền giáo dục của công đoàn, được đông đảo đoàn viên, người lao động và xã hội quan tâm theo dõi.
Nhiều hội nghị tuyên truyền được tổ chức tại các doanh nghiệp tập trung đông công nhân lao động như: Công ty TNHH Quốc tế Right Rich, Công ty TNHH May Thuận Tiến, Công ty TNHH Kim Đô… Các công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở khi tổ chức tuyên truyền đều chủ động mời báo cáo viên là cán bộ Phòng PC 47 Công an tỉnh, Công an các huyện, thành phố trực tiếp truyền đạt những kiến thức cơ bản về ma túy, công tác đấu tranh với tội phạm ma túy. Nhiều công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền phòng, chống tội phạm, ma túy cho công nhân lao động như: Liên đoàn Lao động Thành phố Phan Thiết, Liên đoàn Lao động thị xã La Gi, Liên đoàn Lao động huyện Tuy Phong, Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh…
Công tác xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh - trật tự” đã được Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tập trung chỉ đạo hướng dẫn các cấp công đoàn trong tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc; chỉ đạo việc phối hợp tổ chức để cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động cùng với cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp ký cam kết thực hiện các tiêu chí an toàn về an ninh - trật tự; nhiều mô hình đảm bảo về an ninh trật tự được xây dựng từ nhiều năm qua đã góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội, tệ nạn ma túy như: Mô hình “Đoàn kết, văn hóa, không có sự cố cháy, nổ, mất cắp tài liệu, tài sản” của Chi cục thuế huyện Hàm Thuận Bắc, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình tổ tự quản an ninh trật tự “9 phải” của Công ty TNHH may Phú Long, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Bắc; mô hình “Tổ công nhân tự quản” của Công ty Cổ phần In & Bao bì Bình Thuận, thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh; mô hình “Tổ thanh niên làm theo lời Bác” của Trường Cao đẳng Nghề Bình Thuận, thuộc Công đoàn ngành Giáo dục; mô hình Tổ kho quỹ “4 đảm bảo - 2 an toàn” của Kho bạc Nhà nước Bình Thuận, thuộc Công đoàn Viên chức tỉnh; mô hình Tổ tự quản “4 không - 5 tốt” của Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, thuộc Công đoàn ngành Giáo dục; mô hình “Tự phòng, tự quản”, “Camera an ninh” và “Đội tự quản trật tự - vệ sinh bến bãi” của Bến xe Bình Thuận, thuộc Công đoàn ngành Giao thông vận tải; mô hình “Tự quản, xung kích đảm bảo ANTT” của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Đức Linh; mô hình "Đơn vị tự vệ" của Công ty TNHH Quốc tế Right Rich và Công ty TNHH Kim Đô, thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; mô hình "Tổ tự quản đảm bảo về phòng cháy, chữa cháy" của Công ty TNHH Nakagawa, thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; mô hình "Tổ tự quản về an ninh, trật tự" của Công ty TNHH May Thuận Tiến, thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; mô hình "7 không, 7 phải" của Công ty TNHH Kim Đô, thuộc Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh; mô hình “Phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy phải từ gốc, không có cầu sẽ có cung” của công đoàn cơ sở Trường Hàm Cần, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Nam; mô hình “Hãy bảo vệ thế hệ trẻ trước hiểm họa ma túy” của công đoàn cơ sở Trường Mẫu giáo Hàm Cường, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Nam; mô hình “Cùng chung sức đẩy lùi ma túy” của công đoàn cơ sở Trường Mẫu giáo Tân Thuận, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Nam; mô hình “Chung sức đẩy lùi ma túy, tội phạm” của công đoàn cơ sở Trường TH Hàm Kiệm 2, thuộc Liên đoàn Lao động huyện Hàm Thuận Nam.
Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo mỗi Liên đoàn Lao động cấp huyện, công đoàn cấp ngành hàng năm phấn đấu phối hợp xây dựng mới ít nhất 01 mô hình tự phòng, tự quản về an ninh - trật tự và chú ý xây dựng mô hình ở những nơi đang có khó khăn, phức tạp về công tác tự phòng, tự quản về an ninh - trật tự; đẩy mạnh các hoạt động tự kiểm tra, giám sát ngay tại cơ sở, tăng cường phối hợp thực hiện công tác phòng, chống tội phạm, ma túy và mại dâm. Lực lượng làm công tác an ninh trật tự được quan tâm, kiện toàn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy về việc tập trung chỉ đạo chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy tại thị trấn Phan Rí Cửa và các xã giáp ranh (Hòa Minh, Hòa Phú, Chí Công), huyện Tuy Phong; Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn huyện Tuy Phong phối hợp với chính quyền, chuyên môn cùng cấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy với nội dung, phương thức, cách làm phù hợp với từng địa bàn, từng nhóm đối tượng trong công nhân, viên chức, lao động tại địa phương, cơ sở; phát động cán bộ, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tích cực hưởng ứng phong trào toàn dân tham gia phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy một cách thực chất; phê phán, lên án mạnh mẽ những hành vi vi phạm liên quan đến ma túy nhằm kiềm chế, đẩy lùi vi phạm, tội phạm ma túy trên địa bàn.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền phòng, chống ma túy trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động trong thời gian tới, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp Công đoàn trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền chương trình, kế hoạch về công tác phòng, chống ma túy của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban chỉ đạo tỉnh; gắn công tác tuyên truyền với bồi dưỡng, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp cho người lao động, xây dựng giai cấp công nhân có lối sống văn minh, lành mạnh. Quan tâm chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân lao động./.