Là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thí điểm thành lập nghiệp đoàn nghề cá. Đến nay, toàn tỉnh Bình Thuận hiện có 05 công đoàn cơ sở nghiệp đoàn nghề cá, với tổng số 608 đoàn viên, 54 tàu cá có công suất lớn chuyên hành nghề khai thác ở ngư trường, trực thuộc các Liên đoàn Lao động thành phố Phan Thiết, thị xã Lagi, huyện đảo Phú Quý và huyện Tuy Phong.
Kể từ khi thành lập nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên đến nay, công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên và người lao động Nghiệp đoàn thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức công đoàn được thực hiện thường xuyên; kịp thời hướng dẫn đoàn viên Nghiệp đoàn thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật có liên quan đến đời sống và điều kiện hành nghề của người lao động.
Ban Chấp hành Nghiệp đoàn khai thác hải sản Phan Rí Cửa huyện Tuy Phong
nhiệm kỳ 2021-2023 ra mắt Đại hội
Tổ chức công đoàn luôn thực hiện tốt vai trò đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của đoàn viên qua đó kịp thời có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ và phản ánh, kiến nghị, đề nghị người có thẩm quyền giải quyết; tham gia giám sát việc chia lợi nhuận theo thỏa thuận của chủ tàu cá với ngư dân, đảm bảo dân chủ, công khai; phối hợp với các ngành chức năng và địa phương hỗ trợ, cho vay vốn mua sắm trang thiết bị nâng cấp tàu, thuyền đảm bảo việc ra khơi bám biển, góp phần ổn định việc làm và thu nhập cho đoàn viên các nghiệp đoàn. Từ nguồn vận động các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã hỗ trợ hiện vật và tiền mặt, trị giá hơn 4 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí để mua sắm phương tiện làm việc cho văn phòng các nghiệp đoàn có nơi làm việc, nơi sinh hoạt. Ngoài ra, Liên đoàn Lao động tỉnh trực tiếp hỗ trợ, giúp trang bị 32 phương tiện thông tin liên lạc VX 1700 trên tàu cá và trên bờ (01 thiết bị trạm bờ tại thị xã La Gi), phao cứu sinh, thuốc phòng; đóng 50 bảo hiểm thân tàu, 2000 bảo hiểm tai nạn thuyền viên, hỗ trợ kinh phí cho tàu bị chìm, ngư lưới cụ bị hỏng, thuyền viên bị chết, bị thương ở Phan Thiết, Tuy Phong, LaGi do thiên tai gần 1 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí xây 08 nhà ở “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, cấp hàng trăm học bổng cho học sinh là con của đoàn viên… Hướng dẫn nghiệp đoàn xây dựng nội dung thỏa thuận giữa tổ nghiệp đoàn với chủ tàu về trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đoàn viên, ngư dân làm việc trên tàu cá, từ đó từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi giữa chủ tàu với ngư dân, góp xây dựng quan hệ lao động hài hòa giữa chủ tàu và ngư dân, làm cho đoàn viên xem con tàu là nhà, cùng lao động cùng hưởng thành quả và chia sẻ lúc gặp khó khăn chung, qua đó tạo sự gắn bó để ổn định việc làm, đời sống và hạn chế việc biến động nhân sự trong nghiệp đoàn đồng thời để bảo vệ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và ngư dân.
Có thể khẳng định rằng, trong thời gian qua được sự quan tâm của Công đoàn các cấp, Đảng ủy, chính quyền cùng cấp, các Nghiệp đoàn khai thác hải sản đã tạo nên thành một khối đoàn kết có nền nếp, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trên ngư trường, các nghiệp đoàn có quy chế hoạt động rõ ràng, thực hiện đúng quy định của Nhà nước về khai thác, đánh bắt cũng như bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam, đồng thời thực hiện tốt các nhiệm vụ mà công đoàn phát động. Do đó, đời sống việc làm, thu nhập của đoàn viên tương đối ổn định, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn nhất định trong hoạt động của các Nghiệp đoàn như: Công tác tuyên truyền vận động cho đoàn viên Nghiệp đoàn thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước và các nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn còn gặp nhiều khó khăn, do đặc thù ngành nghề thường xuyên đánh bắt hải sản dài ngày trên biển nên khó tập trung để sinh hoạt, hội họp; Nghiệp đoàn không có nguồn kinh phí để tổ chức các hoạt động nên ảnh hưởng đến các phong trào thi đua và các hoạt động văn hóa, xã hội; Cán bộ Nghiệp đoàn hầu hết là lao động biển, trình độ văn hóa còn thấp, năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên gặp khó khăn trong việc lựa chọn giới thiệu tham gia vào Ban Chấp hành Nghiệp đoàn.
Từ những kết quả trên, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh xác định để thực hiện có hiệu quả hoạt động của Nghiệp đoàn nghề cá trong thời gian tới các cấp công đoàn cần tiếp tục tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước có liên quan đến hoạt động sản xuất thủy hải sản, nhằm nâng cao ý thức, tinh thần tự chủ tự cường của chủ tàu, đoàn viên, chung tay xây dựng nghiệp đoàn nghề cá phát triển vì lợi ích của đất nước, của chủ tàu và lao động trên biển; Động viên đoàn viên phát huy truyền thống lao động cần cù, sáng tạo, liên kết chặt chẽ trong hoạt động đánh bắt hải sản, ra khơi bám biển, làm chủ ngư trường khai thác có hiệu quả nguồn lợi thủy sản, đầu tư nâng cấp từng bước hiện đại hóa tàu cá theo chủ trương, chính sách của nhà nước; Thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp chính đáng cho đoàn viên, ngư dân của Nghiệp đoàn; Thỏa thuận với chủ tàu thực hiện việc ký kết hợp đồng lao động theo quy định pháp luật, nâng cao ý thức trách nhiệm ràng buộc về nghĩa vụ và quyền lợi giữa chủ tàu và ngư dân; Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chấp hành Nghiệp đoàn. Xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động cụ thể, thiết thực đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và thúc đẩy hoạt động sản xuất nghiệp đoàn./.